Là một trong những hộ thuộc diện được thụ hưởng vay vốn ưu đãi hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng sản xuất, gia đình chị Săn ở làng Plei Piơm ở thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa (Gia Lai) mới có cơ hội tái canh toàn bộ diện tích cà phê của mình. Gia đình chị hiện có 700 gốc cà phê đã già cỗi năng suất thấp, sau nhiều năm muốn tái canh nhưng không đủ vốn. Đợt này, chị Săn rất vui khi được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng để tái canh toàn bộ diện tích cà phê này.
Cũng ở thị trấn Đắk Đoa, gia đình anh Nguyễn Hoàng Linh ở thôn 1 được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Đoa tạo điều kiện cho vay 400 triệu đồng chương trình cho vay nhà ở xã hội. Có được nguồn vốn vay ưu đãi này cộng với số tiền tiết kiệm của hiện có, anh Linh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng ngôi nhà mới khang trang hơn cho gia đình mình sau nhiều năm mơ ước.
Có thể nói, Gia Lai là địa phương có tỷ lệ người đồng bào DTTS cao chiếm trên 44%, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ thông qua hệ thống NHCSXH đã và đang tạo cơ hội cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa có vốn đầu tư sản xuất, tái sản xuất, xây sửa nhà ở từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Tại Thanh Hóa, anh Nguyễn Thế Minh ở thôn Hữu Cần, xã Tế Lợi, huyện Nông Cống cho biết: Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cơ sở sản xuất và chế biến rau của gia đình gặp nhiều khó khăn do mất nguồn thu nhập, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Được vay 100 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, gia đình anh đầu tư mở rộng mô hình rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để khôi phục sản xuất. Qua đó, gia đình anh đã mau chóng phục hồi, phát triển sản xuất cho cơ sở rau sạch của mình, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Tại tỉnh Nghệ An, triển khai các gói tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP, thông qua rà soát sơ bộ, nhu cầu tăng trưởng nguồn vốn trong 2 năm 2022 - 2023 đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm là 1.465 tỷ đồng, cho vay nhà ở xã hội khoảng 250 tỷ đồng, cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến 133 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022, nhu cầu cho vay giải quyết việc làm 730 tỷ đồng, cho vay chương trình nhà ở xã hội 115 tỷ đồng, cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến 68 tỷ đồng.
Nhờ nguồn vốn này, nhiều lao động và HSSV có hoàn cảnh khó khăn đã được tiếp sức kịp thời. Đơn cử như trường hợp sinh viên Thái Văn Lực - con trai ông Thái Văn Chín ở xóm 3, xã Lý Thành, huyện Yên Thành đang theo học tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Gia đình ông Thái Văn Chín là hộ nghèo hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng làm nông lại đau ốm thường xuyên nên việc phụ cấp nuôi con ăn học gặp nhiều khó khăn. Đợt này, ngoài việc được vay vốn 12,5 triệu đồng để trang trải chi phí học tập cho con, gia đình được hỗ trợ vay số tiền 10 triệu đồng với lãi suất 1,2%/năm, thời hạn cho vay 36 tháng. Ông Thái Văn Chín cho biết, đồng vốn vay hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giúp ông có điều kiện mua thiết bị vi tính phục vụ cho con học tập, giảm bớt khó khăn cho gia đình.
Riêng tại TP Hà Nội, trong năm 2022, UBND thành phố đã dành gần 2.000 tỷ đồng cho vay khôi phục sản xuất sau dịch. Trong đó, có hơn 921 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố bổ sung năm 2022 và hơn 1.056 tỷ đồng từ nguồn vốn thu hồi cho vay quay vòng để cho người nghèo, gia đình chính sách khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn vay vốn để khôi phục kinh tế. Để thực hiện thành công Nghị quyết số 11/NQ-CP, Hà Nội đang triển khai hiệu quả gói tín dụng ủy thác qua NHCSXH thành phố cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động vay để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp…