Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Không để công nhân bị cắt phụ cấp khi tăng lương tối thiểu vùng

Tăng lương là niềm vui của người lao động, nhưng lại là nỗi lo của doanh nghiệp, khi phải gánh thêm hàng loạt chi phí, đặc biệt, đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp nhỏ.

Tăng cường vai trò giám sát của công đoàn cơ sở để đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Tổng thu nhập của người lao động phải tăng

Vì vậy, rất có thể người lao động chưa kịp vui vì tăng lương đã phải buồn vì nguy cơ bị mất việc làm hoặc bị cắt giảm thưởng, phụ cấp. Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các công đoàn cơ sở trực thuộc triển khai Nghị định 153/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động. 

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.

Mức lương các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải trả cho người lao động như sau: mức 3.750.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa các quận và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây; mức 3.320.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các huyện còn lại của thành phố.

Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp phải đảm bảo mức tổng thu nhập của người lao động gồm tiền lương, phụ cấp phải tăng lên.

Do đó, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. 

Công đoàn cơ sở tăng cường giám sát

Do tháng đầu tiên thực hiện việc tăng lương tối thiểu gần trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người lao động băn khoăn doanh nghiệp phải cân đối lo thưởng Tết nên việc thực hiện tăng lương tối thiểu có thể gián đoạn. Trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Đặng Quang Điều khẳng định, người lao động có thể an tâm về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng.

Ngay khi Nghị định điều chỉnh lương tối thiểu vùng có hiệu lực, công đoàn sẽ tới từng doanh nghiệp để giám sát. Với cơ chế làm việc chặt chẽ, doanh nghiệp không thể không thực hiện việc điều chỉnh. Theo kinh nghiệm từ những lần trước, hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành tốt quy định của pháp luật, số ít các doanh nghiệp né tránh hoặc chậm thực hiện đều rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ hoặc có nguy cơ phá sản.

Theo ông Lê Đình Hùng, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, ngay từ bây giờ các cấp công đoàn cơ sở phải khẩn trương thực hiện việc tuyên truyền, tập huấn nội dung điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tới công nhân lao động, người sử dụng lao động.

Chủ động phối hợp với doanh nghiệp xác định mức điều chỉnh trong thang lương, bảng lương của doanh nghiệp và mức lương ghi trong hợp đồng lao động để đảm bảo lộ trình nâng lương.

Công đoàn cơ sở phải rà soát, xem xét lại các khoản phụ cấp, trợ cấp mà doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể. Không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp “né” quy định của luật thực hiện tăng lương bằng cách bớt thưởng.

Ngoài ra, phải thông báo công khai kế hoạch nâng lương của doanh nghiệp cho người lao động biết trước để yên tâm sản xuất.

Đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có nguy cơ xảy ra tranh chấp cử cán bộ bám sát, thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của người lao động và tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của người lao động để trao đổi, bàn bạc, thống nhất với người sử dụng lao động không để bức xúc dẫn đến ngừng việc tập thể, lãn công tự phát.