Phun thuốc khử trùng, diệt muỗi tại nhà dân ở Ðồng Nai.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp ba lần
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay đang bước vào cao điểm của dịch SXH khi từ đầu năm đến nay cả nước có hơn 80 nghìn trường hợp mắc, tăng gấp ba lần so với số mắc cùng kỳ năm 2018. Ðặc biệt, trong năm tuần gần đây số người mắc tăng nhanh tại 34 tỉnh, thành phố ở các khu vực miền trung, Tây Nguyên và phía nam. Phó Giám đốc Sở Y tế Ðồng Nai Nguyễn Hữu Tài cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Ðồng Nai ghi nhận 5.093 người mắc SXH, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2018 và là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây ở Ðồng Nai. Nhiều huyện như Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch có số ca mắc tăng hơn 400% so với năm trước. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có số người mắc SXH cao nhất cả nước, với hơn 27 nghìn người, tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2018. Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, bắt đầu bước vào tháng 6, số người mắc SXH đã tăng cao hằng tuần, báo hiệu mùa dịch đã bắt đầu. Riêng trong tháng 6, thành phố ghi nhận 2.329 người mắc mới, trong đó có hai trường hợp chết, nâng tổng số người chết do SXH trên địa bàn là năm trường hợp. Một số quận, huyện như: Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh có hơn 2.000 người mắc SXH, tăng hơn 200%... Là quận có số người mắc SXH thấp so với các quận, huyện trong thành phố (428 ca), nhưng 80% số người mắc SXH trên địa bàn quận Thủ Ðức là người lớn, mà phần lớn là sinh viên, công nhân.
Phân tích của các cơ quan chuyên môn cho thấy, nhiệt độ tăng cao, cùng với mưa liên tục là điều kiện thuận lợi để bệnh SXH phát triển mạnh. Những cơn mưa liên tục vào mỗi chiều, kết hợp với nắng nóng buổi sáng sẽ tạo môi trường thuận lợi để muỗi vằn sinh sản và phát triển làm lây lan nhanh chóng bệnh trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, ở các khu đô thị với dân cư đông đúc như ở: TP.HCM, Ðồng Nai, Bình Dương… dịch SXH dễ phát triển nhanh tại các khu nhà trọ, nơi có nhiều công nhân sinh sống. Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ðồng Nai Nguyễn Hữu Tài cho biết: Toàn tỉnh có hơn 13 nghìn khu nhà trọ là nơi ở của gia đình công nhân nhập cư, cư trú không ổn định. Mật độ dân cư đông kèm với môi trường vệ sinh của các khu nhà trọ chưa tốt là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm, trong đó có SXH lây lan, nguy cơ bùng phát thành dịch. Là tỉnh có tỷ lệ người mắc/100.000 dân, cao nhất cả nước, Khánh Hòa là địa phương ẩn chứa nhiều nguy cơ, thuận lợi để bệnh SXH phát triển mạnh. Thời tiết nắng, mưa liên tục, khách du lịch đông, đặc biệt sự "bùng nổ" các công trình xây dựng tại thành phố Nha Trang là nơi bệnh SXH dễ bùng phát… Trong khi đó, theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, tỉnh gặp khá nhiều khó khăn trong giám sát, xử lý SXH tại hàng loạt công trình đang xây dựng ở thành phố Nha Trang. Những vũng nước ứ đọng tại các công trình nếu không được xử lý sẽ tạo điều kiện cho bệnh lây lan. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình vẫn thờ ơ, chưa chú ý phòng bệnh SXH.
Tập trung truyền thông để nâng cao kiến thức
Bệnh SXH đang bước vào mùa cao điểm và sẽ còn diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm. Nhằm chủ động phòng, chống không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo một số nội dung cụ thể trong công tác phòng, chống dịch. Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hoạt động diệt bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7, và duy trì hoạt động một tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, hai tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, bọ gậy cao và một tháng/lần tại các khu vực còn lại. Các địa phương cần huy động ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội vận động người dân, đoàn viên, hội viên tích cực hoạt động diệt bọ gậy. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống SXH; huy động các lực lượng truyền thông, các kênh truyền thông tập trung tuyên truyền người dân về các biện pháp diệt bọ gậy, nằm màn, chống muỗi đốt và phối hợp với cơ quan y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi tại các hộ gia đình.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết: Thành phố hiện đã triển khai ứng dụng WebGis cho hoạt động phát hiện kịp thời ổ dịch và xác định chính xác phạm vi cần xử lý, đồng thời là công cụ để theo dõi dịch. Qua đó, thành phố sẽ kiểm soát tốt hơn tình trạng bệnh SXH trên địa bàn. Tuy nhiên, khó khăn nhất của thành phố trong phòng, chống SXH chính là làm sao để mọi người, mọi nhà cùng tự giác truy tìm và diệt bọ gậy trong chính ngôi nhà của mình, đồng thời vận động mọi người chung quanh cùng thực hiện. Ðể thực hiện điều đó, ngành y tế tăng cường liên kết, phối hợp Bộ Tư lệnh thành phố, Thành đoàn, Sở Giáo dục và Ðào tạo để đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân. "Từ mùa dịch 2019, TP.HCM sẽ triển khai thêm phong trào "Cuối tuần không có loăng quăng, cả tuần không có muỗi" cho học sinh, sinh viên thực hiện tại gia đình mình. Các tổ chức, đoàn thể cũng tổ chức phong trào này tại các địa phương mà mình phụ trách.
Tại Ðồng Nai, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo kịp thời nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch, không để dịch lan rộng.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo các tỉnh, quận, huyện trong TP.HCM hạn chế chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện tuyến cuối nhằm giảm tải cho các bệnh viện ở tuyến này.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, công tác truyền thông hiện nay chỉ tập trung vào thực trạng, số ca mắc bệnh… mà chưa tập trung nhiều vào việc hướng dẫn, cảnh báo cho cộng đồng ý thức diệt loăng quăng, không để phát triển thành muỗi trưởng thành. Truyền thông phải tập trung phân tích, tuyên truyền về môi trường mà muỗi có thể sinh sản, đó là nguồn nước sạch, các lu, lọ, thùng nước mưa… "Mỗi hộ gia đình phải tự phòng, chống cho chính mình, với khẩu hiệu không có loăng quăng, không có SXH, và dẹp bỏ những vật dụng chứa nước không cần thiết thì mới diệt tận gốc" - Bộ trưởng Y tế khuyến cáo.
BÀI VÀ ẢNH: VÕ MẠNH HẢO/ Báo Nhân Dân