Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bằng mọi cách không để cho thí sinh nào vì khó khăn không được đi thi. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong Kỳ thi THPT quốc gia 2015, cụm thi địa phương do Sở GD&ĐT chủ trì là 4.054 thí sinh (49 thí sinh tự do); số thí sinh dự thi tại cụm thi do trường ĐH Tân Trào chủ trì là 6.660 thí sinh (1.247 thí sinh tự do), trong đó tỉnh Hà Giang có 2.489 thí sinh.
Trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2015, lãnh đạo Sở GD&ĐT Tuyên Quang đã trực tiếp đến các trường THPT để gặp gỡ, trao đổi, tư vấn, hướng dẫn và giải đáp các khó khăn, vướng mắc của giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh các trường về kỳ thi THPT quốc gia như: Chọn môn thi (môn thi để xét công nhận tốt nghiệp, môn thi trong số tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ), cụm thi, tổ chức ôn thi, đăng ký dự thi, điểm xét tốt nghiệp, các thức xét tuyển sinh ĐH, CĐ,... Đồng thời, phối hợp tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức và biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, yêu cầu, tính chất quan trọng của kỳ thi từ đó có sự đồng thuận đối với chủ trương cũng như phương án, cách thức tổ chức kỳ thi.
Đến thời điểm hiện tại, Tuyên Quang đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ coi thi, chấm thi; tư vấn, định hướng giúp học sinh lựa chọn môn thi, cụm thi, ôn tập phù hợp, bảo đảm đúng năng lực, nguyện vọng của học sinh.
Bà Việt cho biết, ở Tuyên Quang, khoảng cách từ nơi ở của các thí sinh tham gia cụm thi địa phương đến các điểm thi trung bình khoảng 20-35 km, thậm chí trường THPT Yên Hoa (Na Hang) cách trung tâm thị trấn Na Hang 50km đã được tổ chức 1 điểm thi riêng với 160 thí sinh.
Tuyên Quang dành sự quan tâm đặc biệt đối với các thí sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn tham gia cụm thi địa phương và đã tổ chức tuyến xe đưa, đón các em đến tận điểm thi tập trung. Đồng thời, chuẩn bị phương án hỗ trợ tối đa chỗ ăn, ở, đi lại cho các em và phụ huynh.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Vũ Văn Sử chia sẻ kinh nghiệm sau khi kết thúc năm học các trường THPT nội trú ỏ tỉnh này tiếp tục “giữ” học sinh lại ôn tập cho đến khi bắt đầu kỳ thi. “Mục đích là để các cháu tập trung ôn tập và tham gia kỳ thi đầy đủ còn nếu cho các cháu nghỉ trong 1 tháng và tự ôn tập thì nhiều cháu do điều kiện khó khăn, đi làm giúp đỡ gia đình có thể 'rơi rụng' kiến thức, thậm chí không muốn đi thi”.
Về lo lắng có thể có sự chênh lệch, khác biệt (cách trông thi, chấm thi) giữa cụm thi địa phương và cụm thi do trường ĐH chủ trì, Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang Hoàng Văn Thinh cho rằng hai cụm thi nhưng đều thực hiện cùng một quy chế, làm cùng một đề thi nên đòi hỏi công tác tổ chức thi càng phải nghiêm túc.
Trước một số ý kiến liên quan đến độ khó và kết cấu của đề thi minh họa, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh cho biết ngay sau khi đề thi minh họa được công bố, Cục đã có bộ phận phân tích chi tiết cụ thể trên tinh thần tiếp thu nghiêm túc, để chỉnh sửa tạo thuận lợi nhất cho thí sinh với cấu trúc đề thi gồm khối câu hỏi cơ bản và khối câu hỏi nâng cao.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết hiện chưa có tỉnh miền núi nào tổ chức thi thử nhưng kết quả khảo sát độ khó của đề thi minh họa ở một số địa phương, trường THPT thì có cả mức độ khó lẫn trung bình, vừa phải. Từ nay đến khi bắt đầu vào công tác làm đề thi, Bộ sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến từ các địa phương về đề thi minh họa để công tác thiết kế đề thi đáp ứng được yêu cầu sao cho học sinh chỉ thi tốt nghiệp phổ thông không có áp lực và phân luồng tốt ở trên để vào đại học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia, chiều 25/5. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, nghiêm túc, chu đáo trong công tác chuẩn bị Kỳ thi THPT quốc gia của tỉnh Tuyên Quang, tạo thuận lợi tối đa cho học sinh.
Tuyên Quang và các cụm thi do địa phương chủ trì cần bảo đảm chỗ ăn, ở, đi lại cho thí sinh và phụ huynh, trong đó đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Phó Thủ tướng, học sinh thi tốt nghiệp phổ thông mọi năm rất đơn giản là thi tại trường nay phải lên huyện thi thì làm sao phải hỗ trợ để không có em nào vì khó khăn mà không được thi. “Tùy điều kiện từng địa phương nhưng phải có cán bộ ‘theo sát’ để những học sinh không tham gia ôn thi tập trung tại trường vẫn có điều kiện tham gia và hoàn thành kỳ thi”.
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ GD&ĐT phải hướng dẫn chặt chẽ quy chế kỳ thi; tập huấn kỹ cho đội ngũ giám thị trông thi, cán bộ chấm thi bảo đảm kết quả thi, trông thi, chấm thi nghiêm túc, trung thực, khách quan tạo sự tin tưởng đối với người dân, dư luận xã hội.
“Chúng ta đổi mới cách thi cho học sinh nhưng vẫn dựa trên kết quả học SGK cũ, phương pháp giảng dạy cũ, chương trình cũ, yêu cầu cũ, vì vậy, kỳ thi THPT quốc gia không phải là siết chặt mà là tạo một mặt bằng trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh, làm cơ sở, điều kiện cho quá trình đổi mới. Đồng thời tạo đà cả hệ thống vào cuộc, xã hội đồng thuận, có lòng tin vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo”, Phó Thủ tướng nói.