Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Không dung túng cho mầm mống bạo lực

Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ học sinh đánh bạn, lột đồ, quay clip tung lên mạng; học sinh đánh hội đồng khiến cho bạn bị rối loạn tâm thần; học sinh chốt cửa, ném dép vào người cô giáo… Bạo lực học đường gia tăng một phần do chính các bậc cha mẹ, nhà trường và xã hội.

Vì đâu những đứa trẻ thích bạo lực?

Trao đổi với phóng viên Vì trẻ em, chuyên gia tâm lý Võ Hồng Tâm (Sala Tâm) cho biết, trong khoảng thời gian chị phụ trách tư vấn tâm lý cho các em học sinh tại trường THPT, chị nhận ra những em học sinh hay đi gây rối, bắt nạt, hành hung người khác đều là các em có hoàn cảnh khó khăn, từng gặp những biến cố tâm lý, không ai quan tâm hoặc quan tâm không đúng cách.

Theo chuyên gia tâm lý Võ Hồng Tâm, nếp sống, văn hóa gia đình là yếu tố ảnh hưởng đầu tiên trong việc hình thành nên tính cách trẻ em. Sau này, môi trường xã hội, bạn bè có ảnh hưởng nhưng không thể thay đổi hoàn toàn tính cách đã được hình thành trước đó. Khi gặp một mâu thuẫn với bạn bè, nếu gia đình làm chỗ dựa tâm lý vững chắc cho các con, hướng dẫn cách giải quyết kịp thời thì sẽ không dẫn đến những hậu quả nặng nề.

Qua chia sẻ của chuyên gia tâm lý, chúng ta thấy được vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng trong việc giáo dục và hình thành tính cách trẻ, đặc biệt là trong việc giáo dục trẻ hướng thiện.

Không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng nhiều khi hoàn cảnh xô đẩy khiến cho trẻ có những hành vi bạo lực.

Cần ngăn chặn ngay các hành vi bạo lực học đường. Ảnh minh họa

Cần ngăn chặn ngay các hành vi bạo lực học đường. Ảnh minh họa

Chị Thanh Hiền, một phụ huynh có con bị bạo lực học đường cho biết, khi biết con bị bạn cùng lớp đánh, chị đã vô cùng tức giận. Thậm chí, chị còn tưởng tượng ra mình bắt gặp bạn đó đánh con ngay trước mặt mình và chị đã lao đến tát vào mặt trẻ vì quá phẫn nộ. Đấy là tưởng tượng, chứ chị vẫn biết người lớn không được phép đánh trẻ em. Khi cô giáo tiến hành hòa giải mời cả hai gia đình đến nói chuyện, vợ chồng chị Hiền không gặp được bố mẹ của học sinh đã đánh con vì chỉ có bà nội học sinh đó đến. Người bà đã 70 tuổi cho biết, bố mẹ trẻ ly hôn đã lâu, không ai nhận nuôi con nên bà phải nuôi cháu, không phải một cháu mà những ba cháu. Vì bận kiếm tiền nuôi các cháu nên bà không có nhiều thời gian để đứa trẻ thích gây bạo lực và làm tổn thương người khác. Có lẽ, con đã cô đơn và bị tổn thương rất nhiều. Sự giáo dục đầy bạo lực của người bác cũng có thể là một lý do khiến cho trẻ nghĩ rằng mọ ikhúc mắc đều có thể được giải quyết bằng bạo lực.

Khi dung túng cho bạo lực, bạo lực sẽ ngày càng nghiêm trọng!

Trong thực tế, chúng ta được biết quá nhiều câu chuyện về bạo lực học đường mà ở đó, những người làm cha, làm mẹ yêu sai cách, hoặc chỉ vì thể diện của bản thân nên đã dung túng cho những hành vi bạo lực của trẻ. Sự bao che, đổ lỗi và bỏ qua cho các hành vi sai trái ở trẻ không làm trẻ tốt lên mà nó chỉ khiến trẻ ngày càng lún sâu vào sai phạm, không còn phân biệt được đúng -sai, tốt - xấu.

Khi con gây ra bạo lực học đường, nhiều phụ huynh chủ quan cho rằng, đó là chuyện bình thường của mấy đứa trẻ mới lớn, có gì to tát đâu mà phải rùm beng lên. Tuy nhiên, việc nhỏ nếu không được chấn chỉnh sớm thì sẽ trở thành chuyện lớn trong tương lai không xa. Nguy hiểm hơn là khi cha mẹ dùng quan hệ và tiền bạc để xử lý các khủng hoảng do trẻ gây ra.

Chuyên gia tâm lý Võ Hồng Tâm (ngoài cùng bên phải) - người sáng lập Dự án Học bổng Kỹ năng sống “I believe in me” trong một buổi đào tạo kỹ năng sống cho các em học sinh.

Chuyên gia tâm lý Võ Hồng Tâm (ngoài cùng bên phải) - người sáng lập Dự án Học bổng Kỹ năng sống “I believe in me” trong một buổi đào tạo kỹ năng sống cho các em học sinh.

Trong thời đại công nghệ 4.0 ngày nay, cha mẹ chỉ yêu thương con thôi chưa đủ mà cần phải dõi theo con sát sao, quan tâm đến các hành vi, biến đổi về tâm lý ở trẻ. Trẻ ở lứa tuổi dậy thì càng cần được quan tâm đặc biệt hơn do lứa tuổi này các em đang có những thay đổi về tâm sinh lý rất phức tạp.

Trẻ em khi được cha mẹ yêu thương, quan tâm và giáo dục, cung cấp các kiến thức, kỹ năng sống tốt thường sẽ biết cách quản lý cảm xúc và có kỹ năng xử lý khủng hoảng bằng các biện pháp tích cực, thay vì các hành vi bạo lực hoặc tiêu cực.

Cha mẹ và thầy cô cũng như xã hội cần lên án mạnh mẽ cách hành xử bạo lực. Việc người lớn gây ra bạo lực với trẻ em có tác động đến nhận thức của trẻ. Bản thân người lớn phải làm gương, nói “KHÔNG” với bạo lực khi nuôi dạy, chăm sóc và giáo dục trẻ.