Luật PCBLGĐ được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2008, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Vụ trưởng Vụ Gia đình Bộ VHTTDL Trần Tuyết Ánh đã nêu báo cáo sơ lược kết quả 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ, những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai Luật. Trong đó, việc nhân rộng các Mô hình PCBLGĐ được Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với địa phương thí điểm Mô hình PCBLGĐ tại 64 xã/phường/thị trấn thuộc 64 tỉnh/thành phố, sau 3 năm cho thấy số vụ bạo lực gia đình giảm 77,8% so với trước khi triển khai Mô hình.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội thảo.
Công tác truyền thông đã có sự đổi mới, linh hoạt, tích cực
Bà Lê Thị Nguyệt đánh giá, trong 10 năm qua, Công tác thông tin tuyên truyền rất quan trọng, Bộ VHTTDL đã chủ động ký kết các văn bản liên quan để Luật PCBLGĐ đi vào đời sống. Công tác truyền thông đã có sự đổi mới, linh hoạt, tích cực. Khi triển khai Luật, có những tờ rơi phát tới tận tay người dân, hay ở các tỉnh miền núi, phát tờ rơi ở các phiên chợ kết hợp với loa phát thanh tuyên truyền, cùng với nhiều kênh thông tin, nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng tới mọi người dân. Qua quá trình giám sát cho thấy, việc thi hành Luật PCBLGĐ còn chậm, phối kết hợp liên ngành còn hạn chế. Từ thực tế trên, chúng tôi đề nghị các UBND cấp tỉnh/thành phố bổ sung thêm ngân sách cho công tác gia đình (hiện nay, có khoảng 4,09% ngân sách cho lĩnh vực gia đình), phần lớn đều là tự cân đối ở địa phương, bởi vấn đề BLGĐ nói riêng và lĩnh vực gia đình nói chung vẫn chưa được chú ý thực sự. Bộ LĐTBXH cần hỗ trợ các nạn nhân học nghề, tạo việc làm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt đánh giá việc thực hiện thi hành Luật PCBLGĐ trong 10 năm qua.
Xử lý các vụ việc BLGĐ quá nhẹ
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu nêu ra những bất cập như: Số liệu thống kê BLGĐ khó chính xác, vì nhiều người vẫn giấu và cho BLGĐ là chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau; Việc xử lý các vụ việc BLGĐ quá nhẹ, phạt hành chính khó thực hiện, chủ yếu tập trung vào hòa giải và không có tính răn đe triệt để, nên vi phạm tiếp tục tái diễn; Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trong việc thực thi Luật còn chưa hiệu quả; Các cơ sở hỗ trợ nạn nhân nhà tạm lánh, các hỗ trợ về chăm sóc, tư vấn tâm lý, y tế chưa phát huy hiệu quả thực sự; Mức kinh phí hoạt động, truyền thông về PCBLGĐ còn hạn chế; Cần có sự thống nhất về quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCBLGĐ hiện nay…
TS Lương Văn Cầu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ.
Nên bỏ chế tài phạt tiền, dùng chế tài lao động công ích
TS Lương Văn Cầu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đưa ra một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ. Trong đó có việc quy định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, cấm người có hành vi BLGĐ đến gần nạn nhân. Tuy nhiên, Luật quy định phải có đơn yêu cầu của nạn nhân, điều này chưa khả thi, không phù hợp với thực tiễn và chưa bảo vệ được các nạn nhân là phụ nữ, trẻ em. Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong PCBLGĐ, còn một số quy định về hình thức phạt tiền (từ 100.000đ – 10.000.000đ) chưa thực sự hợp lý và không có tính khả thi. Có thể bỏ chế tài phạt tiền người chồng hoặc vợ khi có hành vi bạo lực mà dùng hình thức chế tài khác như lao động công ích tại địa phương, tạo nên tiếng nói dư luận, hiệu quả PCBLGĐ sẽ cao hơn.
GS Lê Thị Quý là người đặt nền móng cho các mô hình PCBLGĐ ở nhiều địa phương.
Không được coi nhẹ BLGĐ vì đó là nguồn gốc của nhiều bạo lực khác
GS Lê Thị Quý cho rằng, Luật còn mềm quá, chúng ta còn thói quen nhìn BLGĐ không bằng bạo lực xã hội, nhiều vụ BLGĐ còn âm ỉ, giấu kín, nhiều vụ đau xót không thể tưởng tượng được. Tôi cho rằng, Tòa án chưa hiểu rõ Luật PCBLGĐ, nên xử còn nhẹ, Luật chưa đi vào các cấp chính quyền, nhân dân vì thói quen coi nhẹ BLGĐ. Không được coi nhẹ BLGĐ vì đó là nguồn gốc của nhiều bạo lực khác. Do đó, chúng ta cần nhấn mạnh BLGĐ hơn nữa, đặc biệt là nam giới.
Nhà nước phải đầu tư thích đáng vào PCBLGĐ và cần tận dụng các nguồn phi chính phủ thì sẽ giải quyết tốt hơn. Công tác xã hội sẽ phối hợp cứu chữa những sang chấn tâm lý của nạn nhân.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, trong tháng 12, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ trên phạm vi toàn quốc, ý kiến từ Hội thảo này sẽ được tập hợp để đưa vào Báo cáo tổng kết của Hội nghị, để đưa ra những đề xuất giải pháp triển khai thi hành Luật trong thời gian tới; cung cấp những bằng chứng cơ sở khoa học và thực tiễn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về PCBLGĐ, để Luật PCBLGĐ phù hợp, hiệu quả và sát thực với thực tiễn hơn.
Hồng Nga/GĐTE