Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Không ít người trầm cảm do bị vu khống trên mạng xã hội

Thực tế, mạng xã hội cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của con người. Việc tiếp cận với các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội dễ dẫn đến rối loạn lo âu khiến một số người trở nên lo lắng về những vấn đề trong cuộc sống.

Mạng xã hội với nhiều vai trò trong cuộc sống hiện đại đã giúp con người kết nối với nhau dễ dàng hơn, cũng như phục vụ nhu cầu giải trí nhanh chóng, hiệu quả.
Tuy nhiên, việc lạm dụng mạng xã hội, dành quá nhiều thời gian trên không gian mạng đã khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, giảm sút chất lượng cuộc sống. Để sử dụng mạng xã hội với mục đích ý nghĩa hơn, nhiều bạn trẻ đã thực hiện thanh lọc hội nhóm.

Việc lạm dụng mạng xã hội, dành quá nhiều thời gian trên không gian mạng đã khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi.

Việc lạm dụng mạng xã hội, dành quá nhiều thời gian trên không gian mạng đã khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi.

Chị Quỳnh từng là người dành nhiều thời gian cho mạng xã hội. Nhưng sau khi nhận được những bình luận, thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, chị bắt đầu nhận ra cần giảm bớt thời gian trên thế giới ảo và thêm thời gian cho cuộc sống thật.

“Tôi tự hỏi tại sao mình phải chịu đựng những thứ tiêu cực này trên mạng xã hội. Nếu tôi không dùng nó thì những thứ đó sẽ không đến với tôi nữa. Thế nên tôi tiết kiệm được nhiều thời gian hơn và tham gia các lớp học để phát triển bản thân”, chị Quỳnh nói.

Thực tế, mạng xã hội cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của con người. Việc tiếp cận với các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội dễ dẫn đến rối loạn lo âu khiến một số người trở nên lo lắng về những vấn đề trong cuộc sống.

Mạng xã hội cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của con người.

Mạng xã hội cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của con người.

Ngoài ra, không ít người rơi vào trầm cảm do bị vu khống hay gặp phải những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Sử dụng mạng xã hội không lành mạnh còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý, tâm thần như hội chứng mặc cảm ngoại hình, hội chứng tự ngược đãi bản thân.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Chuyên gia Xã hội học) cho biết: “Chúng ta đang thiếu sự sàng lọc thông tin đăng tải trên mạng xã hội, không thể nhận định được đúng sai. Vì thế, các thông tin đó sẽ làm ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ”.

Theo Thạc sĩ Phan Thị Mai Quyên (Chuyên gia tâm lý), việc thanh lọc mạng xã hội sẽ giúp chúng ta có nhiều điều kiện để gần hơn với cuộc sống thực tại, từ đó tạo ra những hoạt động có giá trị về mặt giải trí, phát triển bản thân và gắn kết với mọi người xung quanh. Thanh lọc không có nghĩa là bỏ hết mà là chọn lựa lại những nền tảng mà chúng ta tiếp nhận, bỏ đi những nội dung không có giá trị thúc đẩy và giữ lại những thứ giúp ích để phát triển bản thân.

Không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội đem lại. Điều quan trọng là chúng ta sử dụng mạng xã hội như thế nào để không bị sa đà vào thế giới ảo, vừa mất thời gian lại tổn hại đến sức khỏe, tinh thần. Mỗi người hãy sử dụng mạng xã hội một cách phù hợp, hiệu quả, ứng xử đúng mực, có văn hóa khi giao tiếp trên mạng xã hội.