Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Không khoan nhượng với tội phạm mua bán người, đẩy mạnh hỗ trợ nạn nhân

Tuấn Thịnh
Tuấn Thịnh

Thời gian qua, các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, đẩy lùi nạn mua bán người, góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ và bảo đảm quyền con người.

Mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao, chỉ sau ma túy và mua bán vũ khí. Liên Hợp Quốc xác định hành vi mua, bán người là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới, được đưa vào chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu, đòi hỏi Chính phủ các quốc gia phải có sự hợp tác chặt chẽ, cùng nhau đấu tranh, ngăn chặn và kiên quyết loại bỏ.

Không khoan nhượng với tội phạm mua bán người, đẩy mạnh hỗ trợ nạn nhân - 1
Bộ đội biên phòng Lai Châu bắt giữ các đối tượng mua bán người qua biên giới (Ảnh: Hoàng Anh).

Nhận diện những thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua, bán người

Số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta có diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp, nỗ lực hơn nữa (6 tháng đầu năm 2024, số vụ mua bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023). 

Bên cạnh thủ đoạn truyền thống với hình thức gặp gỡ để tiếp xúc làm quen trực tiếp với nạn nhân, tội phạm mua bán người đang có xu hướng thay đổi phương thức hoạt động từ truyền thống sang hiện đại, lợi dụng nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Wechat...) để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân. 

Các đối tượng tiếp tục lợi dụng hoạt động tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân, người có nhu cầu xuất khẩu lao động... để tuyển chọn, dụ dỗ, lôi kéo sau đó lừa bán nạn nhân.

Đảng, nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm mua bán người, trong đó tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

Theo đó, công tác phòng ngừa, nhất là công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người được đặc biệt chú trọng triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, hướng về cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán.

Việt điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người được lực lượng chức năng tích cực triển khai thực hiện, nhiều đường dây mua bán người ra nước ngoài, nội địa được triệt phá và đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật (6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 98 vụ, 234 đối tượng; xác định 246 nạn nhân; trong đó tỉnh Lào Cai phát hiện, điều tra 1 vụ, 3 đối tượng lừa 6 nạn nhân sang Lào).

Việc xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân (6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ là 11 nạn nhân, đưa về nước 9 nạn nhân). 

Hợp tác quốc tế tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện với nhiều hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mang lại hiệu quả thiết thực được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, nhìn nhận khách quan hơn, thể hiện qua việc Việt Nam được nâng lên nhóm 2 trong báo cáo đánh giá tình hình mua bán người trên thế giới của Hoa Kỳ.

Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Hiện nước ta có trên 400 trung tâm bảo trợ xã hội do ngành LĐ-TB&XH quản lý và 3 cơ sở hỗ trợ nạn nhân của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng với các tổ chức quốc tế thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân. Các nạn nhân được hỗ trợ các dịch vụ như: trợ cấp khó khăn ban đầu, học nghề, tạo việc làm, vay vốn, khám chữa bệnh, tư vấn tâm lý và trợ giúp pháp lý… với tổng kinh phí hỗ trợ gần 5 tỷ đồng. 

Một số mô hình hỗ trợ nạn nhân ở các địa phương được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn như mô hình nhóm tự lực, mô hình kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS…

Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực phòng, chống mua bán người và hỗ trợ các nạn nhân phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng. Từ năm 2016, Việt Nam chọn ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài và được chú trọng từ lâu. Kể từ khi chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 được ban hành vào tháng 2/2021, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công. 

Trong đó, nỗ lực nổi bật nhất là việc các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người được ban hành một cách kịp thời, hiệu quả. 

Để đảm bảo phòng chống hiệu quả, không khoan nhượng với tội phạm mua bán người, các đại phương đều tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới biển, vùng biển và các khu vực thuộc trách nhiệm quản lý nhằm phòng, chống các hoạt động mua bán người qua biên giới và mua bán người để cưỡng bức lao động trên các tàu cá. Phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xác định các trường hợp nghi vấn là nạn nhân bị mua bán để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ theo quy định.

Các sở LĐ-TB&XH trên cả nước cũng thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, nhất là phụ nữ, trẻ em; tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với hoạt động giới thiệu việc làm, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam… để chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm mua bán người. 

Cùng với đó, phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” theo chức năng, nhiệm vụ được giao.