Sự kiện “Không khoảng cách” do nhóm Sáng kiến “Kết nối thanh niên, thúc đẩy hòa nhập” thành lập bởi Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam do Quỹ ủy thác đa đối tác tài trợ phối hợp cùng 7 Hội, CLB, Nhóm, Trung tâm của NKT tổ chức.
Với sự tham gia của các đơn vị tổ chức, khách mời; đặc biệt là hơn 100 sinh viên Học viện Ngoại giao và NKT, sự kiện mong muốn dùng chính cách của người trẻ để đem đến cho người trẻ cái nhìn chân thực về thực trạng hòa nhập NKT trong môi trường học đường, từ đó khuyến khích thế hệ trẻ Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thúc đẩy hòa nhập NKT.
Tại Việt Nam, cứ 14 người thì có gần 1 người là NKT, chưa kể hàng triệu NKT chưa được ghi nhận. Vậy nhưng, nhiều NKT, đặc biệt là nhóm thanh niên, có nguy cơ bị bỏ lại phía sau do thiếu những sự hỗ trợ cần thiết trước những rào cản trong giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và việc làm.
Tại chương trình, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; ông Phạm Quang Khoát, Phó Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội đều nhấn mạnh vai trò của thanh niên như một động lực đổi mới, đưa ra các giải pháp sáng tạo để xây dựng một xã hội quan tâm tới khả năng và nhu cầu của tất cả mọi người. Bởi vậy, với hai phiên hoạt động đều lấy sinh viên làm trung tâm, sự kiện “Không khoảng cách” có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng thế giới tương lai hòa nhập cho tất cả.
Bước vào phiên chính đầu tiên, với sự điều phối của bà Nguyễn Minh Châu, Điều phối viên quốc gia về hòa nhập NKT của UNDP, cùng hai diễn giả là NKT đã chia sẻ câu chuyện vượt qua rào cản, thu hẹp khoảng cách, đấu tranh cho những quyền lợi cơ bản mà đáng ra ai cũng đều phải có.
Câu chuyện của bạn Hoàng Thị Phương từng mặc cảm vì “đến con ngan còn đi được bằng hai chân, sao mình lại không”, từng quyết định nghỉ học cấp 3 vì sợ bị xa lánh, nhưng do thôi thúc mãnh liệt được giúp đỡ các bạn khuyết tật khác đã quyết định đi học trở lại và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa đặc biệt trong công tác thúc đẩy hòa nhập NKT.
Câu chuyện của MC khiếm thị Hương Giang chưa từng thấy mình đáng thương hay khiếm khuyết cho đến khi những người khác tỏ ra thương hại mình, hay bản thân bị tổn thương với những từ như “vô dụng”, “sau này chỉ có để bố mẹ nuôi” và hành trình vượt qua bóng tối để tỏa sáng rực rỡ trên nhiều sân khấu lớn.
Tới phiên thứ hai, cũng là phiên được mong đợi nhất, các bạn sinh viên được trực tiếp tham gia vào các hoạt động trải nghiệm những khó khăn của NKT với sự hỗ trợ hướng dẫn, giảng dạy của các CLB, Hội, Nhóm của NKT. Suốt phiên hoạt động, học viện tràn ngập tiếng cười cùng những tiếng “à”, “ồ” khi các bạn sinh viên lần đầu tiên được tiếp xúc với ngôn ngữ kí hiệu, sách xúc giác, bảng chữ nổi, đi xe lăn hay di chuyển trong bóng tối.
Qua những câu chuyện chân thực, những trải nghiệm thú vị, các bạn sinh viên đã có được cái nhìn toàn cảnh và phần nào thấu hiểu những khó khăn của NKT, thêm trân trọng nỗ lực của họ để vượt qua các rào cản trong cuộc sống. Các bạn đặc biệt ấn tượng với các hoạt động trải nghiệm, chia sẻ rằng này rất “khó” nhưng cũng rất thú vị, đặc biệt khi được giao lưu với các anh chị, các bạn sinh viên khuyết tật.
Bạn Kiều Gia Bảo, sinh viên năm nhất Học viện Ngoại giao chia sẻ: “Sau khi nghe câu chuyện của các diễn giả là những NKT trẻ, em thấy rất xúc động về nghị lực và những khó khăn của họ phải trải qua để vươn lên trong cuộc sống. Sau khi tham gia hoạt động trải nghiệm, em thấy rất thực sự rất khó khi các anh chị khuyết tật phải sử dụng những công cụ, ngôn ngữ khác để thay thế cho những phương thức giao tiếp, đi lại mà chúng em vẫn sử dụng. Xã hội Việt Nam cần là một xã hội được thiết kế không chỉ dành cho người khỏe mạnh mà cả cho người khuyết tật để họ được sống độc lập và hòa nhập".
Ngoài ra, phần giao lưu văn nghệ giữa CLB Solar Dance Club - CLB khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội và các bạn sinh viên Học viện Ngoại giao cũng là một điểm nhấn của sự kiện, gửi đi thông điệp nghệ thuật xóa nhòa mọi khoảng cách.
Sự kiện “Không khoảng cách” là một hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm Ngày NKT Việt Nam, đặc biệt khi nó được tổ chức bởi người trẻ và nhắm tới chính đối tượng người trẻ. Sự kiện không chỉ mang tới một sân chơi giao lưu cho các bạn sinh viên và NKT, mà còn là tiền đề để nhân rộng mô hình và thúc đẩy nhiều sáng kiến hơn nữa từ những chủ nhân tương lai của thế giới hướng tới thực hiện những mục tiêu của Liên hợp quốc về hòa nhập NKT.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Kết nối thanh niên, thúc đẩy hòa nhập” (UNited Youth for Inclusion Initiative) được khởi xướng bởi Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại Học viện Ngoại giao và nhóm Dự án chung của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy sự đóng góp của thanh niên vào các mục tiêu chung của Liên Hợp Quốc về hòa nhập NKT.