Chiều 11/11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ông là Tư lệnh ngành thứ tư đăng đàn, sau Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Phục hồi sau đại dịch cần gói hỗ trợ đủ lớn
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đặt vấn đề, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch cần gói hỗ trợ đủ lớn, đặc biệt là gói tiền mặt tương đương 3-4% GDP.
Đại biểu cho rằng, nếu làm như vậy sẽ tăng nợ công, tăng bội chi, nợ Chính phủ. Còn nếu không có các giải pháp đủ lớn, nền kinh tế sẽ chậm phục hồi, lỗi nhịp so với sự phát triển của các nước, kèm theo nhiều hệ lụy tiêu cực.
Vậy “chúng ta chấp nhận vượt trần ngân sách, tăng nợ công hay hỗ trợ không đủ lớn, không đủ liều?", đại biểu nêu câu hỏi.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu hỗ trợ tiền mặt, cấp tiền cho người dân thì nguy cơ lớn sẽ rủi ro làm tăng lạm phát. Quan điểm là ủng hộ nới bội chi và nợ công trong khoảng kiểm soát được. Vì nếu không nới bội chi và nợ công sẽ khó tăng trưởng. Nếu không tăng trưởng thì khó đạt mục tiêu 5 năm, chiến lược 10 năm và khát vọng đến năm 2045 là nước phát triển.
Theo Bộ trưởng, nếu không nới bội chi và nợ công, chúng ta sẽ bỏ một loạt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dân số vàng, các hiệp định thương mại tự do, những chuyển dịch mới. Vì vậy, cá nhân Bộ trưởng ủng hộ nghiên cứu nới bội chi và nợ công.
"Như vậy vừa phát triển, giải quyết việc làm, làm cho quy mô nền kinh tế lớn hơn, khi đó thì tự khắc nợ công sẽ giảm xuống dù không thể xuống như cũ. Còn nếu không nới, không có đầu tư, không có phát triển, sẽ là vòng luẩn quẩn là bội chi, nợ công lúc nào cũng ở mức cao trong khi chúng ta bỏ hết cơ hội phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.
Đẩy mạnh tốc độ giải ngân đầu tư công
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) đặt câu hỏi, khi xây dựng các chỉ tiêu tăng trưởng GDP, CPI cũng như bội chi ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tính đến những tác động của đại dịch Covid-19 không?
Đồng thời, đại biểu chất vấn: "Trong tỷ lệ bội chi nêu trên đã bao gồm những gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới hay chưa?"
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hồng Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ sở để xác định các chỉ tiêu này chúng tôi đã căn cứ vào tình hình thực tiễn, có tính đến khả năng chúng ta kiểm soát được dịch bệnh vào quý IV này, cũng như "khả năng phục hồi của nền kinh tế khi mở cửa trở lại thì các khu vực xuất khẩu, dịch vụ, đầu tư sẽ có đóng góp rất lớn cho tăng trưởng và lạm phát được kiểm soát trong tính toán mà chúng ta đã quy định", ông Dũng nói.
Về đầu tư công của chương trình phục hồi đã tính vào trong bội chi chưa? Xin thưa là chưa tính vào. Nếu như được Quốc hội thông qua chúng tôi cũng đang tính toán là nó sẽ làm tăng thêm bội chi khoảng 1%. Việc đó, theo ông Dũng chúng ta có thể kiểm soát được, khi kinh tế phát triển, quy mô của nền kinh tế tăng lên và GDP lớn lên thì chúng ta giải quyết được rất nhiều mục tiêu, vừa phát triển được kinh tế, vừa giải quyết được việc làm, vừa tận dụng các cơ hội.
"Nhưng GDP lớn lên thì các chỉ số về nợ công và bội chi sẽ giảm đi và cũng không có tác động lớn đến những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của chúng ta", tư lệnh KH&ĐT phân tích.
Còn đại biểu Âu Thị Mai ((đoàn Tuyên Quang) chất vấn về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA thời gian qua còn chậm, Bộ có giải pháp gì về vấn đề này?; Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp gì để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những năm tiếp theo.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng liệt kê loạt nguyên nhân, cả chủ quan, khách quan như: Công tác chuẩn bị dự án kém, mang tính hình thức nhiều, qua loa, nêu sau khi được chấp thuận chủ trương, thực hiện thực tế lại sửa đi, sửa lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian.
Rồi giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc về nguồn gốc đất, giá đền bù, tranh chấp… làm chậm tiến độ. Công tác đấu thầu, không được bố trí vốn đối ứng...
Với năm 2021, theo ông Dũng, có nguyên nhân do đại dịch COVID -19 phải giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến nhiều vấn đề như, nhân công thiếu lao động, chi phí tăng cao, nguyên vật liệu tăng cao… Trong các nguyên nhân, ông Dũng nhấn mạnh, nguyên nhân ở khâu thực hiện vẫn là chính.
Theo ông, từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm A, B, C đều đã phân cấp địa phương. Bộ chỉ còn ba chức năng chính là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; đảm bảo chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí điều hành hàng năm. Khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã giao vốn một lần, theo một khoản cho các địa phương ngay từ tháng 11 năm trước. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề hiện nay là nằm ở địa phương.
Về giải pháp thời gian tới, theo ông, công tác này cần thực hiện tốt hơn, quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn các nghị quyết của Chính phủ. Tổ công đặc biệt của Thủ tướng cần phát huy tinh thần để tháo gỡ vướng mắc. Bộ cũng đang rà soát, xem có vướng mắc gì thì trong luật hay không để đề xuất sửa...
Nói chậm giải ngân do địa phương thì... “tội nghiệp địa phương quá”
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng nói rõ trách nhiệm trong chuyển nguồn rất lớn vốn đầu tư công thời gian qua, do Trung ương hay địa phương?
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Dự án của địa phương thì địa phương chịu trách nhiệm, dự án của Trung ương thì trách nhiệm thuộc về Trung ương. Còn dự án của Trung ương triển khai tại địa phương, nếu cấu phần nào đã bàn giao cho địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm.
Ông ví dụ, khó nhất dự án của Trung ương tại các địa phương là khâu giải phóng mặt bằng. Vì vậy, trong đề án tách bồi thường và hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công sắp tới trình Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu đang trình riêng phần giải phóng mặt bằng với quy định giao lại cho địa phương xử lý hoàn toàn. Địa phương có thể dùng cả ngân sách Trung ương cấp qua bộ, ngành và ngân sách địa phương để thực hiện.
“Nếu tách được và giao hẳn cho địa phương thì sẽ tách bạch được trách nhiệm 2 bên trong cùng một dự án. Khi đó, tiến độ dự án cũng sẽ được cải thiện”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)nêu, các dự án nhóm A trọng điểm quốc gia do bộ, ngành Trung ương thẩm định. Do đó, Bộ trưởng nói chậm giải ngân do địa phương thì “tội nghiệp địa phương quá”.
Ông đề nghị làm rõ địa phương nào chậm để xử lý trách nhiệm, nhưng bộ, ngành Trung ương thẩm định chậm cũng phải làm rõ trách nhiệm.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, quyền thẩm định các dự án nhóm A là của địa phương, còn với các dự án quan trọng quốc gia thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi trình Thủ tướng.
“Chúng tôi luôn nỗ lực không để chậm một ngày, một giờ nào. Còn quy trình thủ tục gồm nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan để tổng hợp lại có thể chậm, chúng tôi rút kinh nghiệm và cố gắng cao nhất”, ông Dũng nói.
Trả lời tranh luận của đại biểu Tạ Văn Hạ, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư khẳng định, giải ngân vốn đầu tư công chậm không phải nằm ở pháp luật. Theo ông, quy định đến nay rõ ràng, đầy đủ, tinh thần là phân cấp triệt để cho các địa phương, không còn vấn đề gì lên đến Trung ương.
“Chúng tôi quản lý chung bằng hệ thống công nghệ thông tin, không cần gặp nhau hay giấy tờ", ông Dũng nói, các bộ ngành, địa phương lập kế hoạch xong sẽ đưa vào hệ thống. Vì vậy, kiểm soát được. “Đúng thì bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng, không phù hợp thì yêu cầu các tỉnh làm lại”, ông nói. Do đó, theo Bộ trưởng, giải ngân vốn đầu tư công thấp “nằm ở tổ chức thực hiện”.
Hỗ trợ gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế
Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) về việc đánh giá các gói hỗ trợ quốc tế vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu, đại dịch Covid-19 đã gây tác động nặng nề đến các mặt kinh tế - xã hội toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới có các chính sách, quyết sách nhanh, ban hành gói hỗ trợ quy mô rất lớn, chưa có tiền lệ. Các nước cũng tăng cho chi y tế và phòng, chống dịch, trợ giúp xã hội, như hỗ trợ hộ gia đình có thu nhập thấp qua cấp phát tiền mặt, lương thực, chi trả tiền điện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, miễn giảm nhiều thuế, phí cho nhiều ngành bị ảnh hưởng…
Thông tin về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới ở nước ta, Bộ trưởng cho biết, sau khi nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra một số quan điểm: Các giải pháp có quy mô đủ lớn; có thời gian thực hiện phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn nền kinh tế; có hỗ trợ cả phía cung phía cầu nền kinh tế; thực hiện linh hoạt, phù hợp với chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội cả ngắn và dài hạn; các kế hoạch đầu tư công, tài chính công; tập trung vào các chính sách có tác động ngay và chú ý đến cả vấn đề dài hạn.
Chính sách và giải pháp phải gắn cơ chế thực hiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế, mục tiêu là phục hồi và phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng, linh hoạt với dịch bệnh; chủ động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp để hoạt động trong mọi điều kiện, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025; ổn định kinh tế vĩ mô, nuôi dưỡng và củng cố các nguồn thu ngân sách nhà nước, an toàn hệ thống tín dụng; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân, người nghèo, đối tượng yếu thế, đối tượng xã hội, tránh giải thể, phá sản và thâu tóm của doanh nghiệp.
Về đối tượng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh các ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng và ngành có tiềm năng, khả năng phục hồi nhanh, tạo động lực lan tỏa cho nền kinh tế. Phạm vi thực hiện trên cả nước nhưng sẽ có trọng tâm, trọng điểm.
Cũng theo Bộ trưởng, nếu được Quốc hội thông qua, các chính sách này sẽ được thực hiện ngay đầu năm 2022 và kéo dài trong 2 năm để phục hồi nhanh nền kinh tế.