Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Không phải sinh ra đã tự giác kỉ luật mà bởi họ biết 3 quy luật nhỏ

Phần lớn mọi người đều biết tự giác kỉ luật là tốt nhưng lại khó kiên trì, có phải những người tự giác kỉ luật ưu tú sinh ra đã hơn người? Đáp án là không!

Tự giác kỉ luật đem lại cho bạn sự tự do.

Nếu bạn quả thực dùng sự kỉ luật đi thực hiện một vài điều gì đó, chẳng hạn như chạy bộ, bạn sẽ phát hiện tự giác kỉ luật quả thực có thể đem lại cho bạn một nguồn năng lượng tích cực ổn định.

Phần lớn mọi người đều biết tự giác kỉ luật là tốt nhưng lại khó kiên trì.

Khởi đầu của mỗi người đều không khác nhau mấy. Nếu có điểm gì khác nhau thì đó là bởi tư duy quan niệm của những người kỉ luật khác với người bình thường và họ nằm lòng 3 quy luật nhỏ này.

Thứ nhất: Những sức mạnh nhỏ bé có thể tích lũy lại thành động lực rồi đem ra sử dụng cho bản thân

Quẻ Khôn trong "Kinh Dịch" nói: "Lữ sương kiến kiên băng chí".

Mới bắt đầu là hơi lạnh, kết thành sương, càng về sau sẽ càng đông thành băng cứng.

Đây là quy luật tự nhiên, tích tiểu thành đại, từ nông tới sâu, từ biến lượng đến biến chất.

"Kinh dịch" nói: "Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương".

Mọi chuyện xảy ra đều không phải ngẫu nhiên, cái gì cũng có cái lý của nó.

Việc thiện, tích lũy nhiều rồi, gia đình ắt sẽ ngày càng cát tường, thịnh vượng; chuyện xấu xa, không nghiêm túc quản giáo, cứ để buông thả, gia đình sớm muộn gì cũng gặp tai ương.

Người tự giác kỉ luật, hiểu quy luật này, đồng thời thiết lập cho mình quan niệm: Những sức mạnh nhỏ bé có thể tích lũy lại thành động lực rồi ở một thời điểm nào đó đem ra sử dụng cho bản thân.

Dáng dấp đúng đắn của tự giác kỉ luật là bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt, rồi tích lũy dần dần, tích tiểu thành đại, tích ít thành nhiều, tích cát thành tòa lâu đài.

Người tự giác kỉ luật, không phải đẻ ra đã ưu tú, mà là bởi họ biết 3 quy luật nhỏ - Ảnh 1.

Take it slow!

Thứ hai: Tự giác kỉ luật quý ở kiên trì, chia nhỏ những chuyện khó khăn ra là có thể giải quyết được

Quẻ Hằng trong "Kinh dịch" nói: "Lôi phong hằng, quân tử dĩ lập bất dịch phương".

Gió bão của thế giới tự nhiên biến hóa khôn lường, còn người quân tử khi làm việc, trong môi trường thay đổi từng ngày này, phải kiên trì mục tiêu và nguyên tắc của mình, có vậy mới có thể được lâu dài.

Tự giác kỉ luật quý ở kiên trì. Một người muốn hiện thực hóa mục tiêu của mình, càng cần phải kiên trì.

Chỉ có sức mạnh của sự kiên trì mới có thể biến mục tiêu và giấc mơ của một người thành hiện thực. Nếu không, những thăng trầm cuộc sống sẽ phá hỏng giấc mơ và làm tan chảy ý chí của chúng ta.

Đừng yêu cầu mình nhảy một phát là tới được đích, dựng sào thấy luôn được bóng, hãy yêu cầu mình mỗi ngày làm một chút, rồi sẽ có một ngày bạn sẽ trông thấy được thành quả to lớn.

Chẳng hạn như chạy bộ, có người yêu cầu mình mỗi ngày chạy 5km, 10km. Cái tiết tấu này, một người bình thường khó có thể kiên trì được. Bởi lẽ cơ thể bạn sẽ chẳng chịu nổi.

Cá nhân tôi khi chạy bộ, ban đầu chỉ bắt đầu từ 1km, rồi dần dần chạy thêm 0,5km so với lần trước. Rồi kết hợp với cả bài tập sit-up, lần sau tăng 2 cái so với lần trước, cứ vậy tập dần dần.

Tiết tấu vận động là mới bắt đầu 2 ngày chạy một lần, khi đó, cơ thể khá khó chịu vì chưa thể thích nghi, thấy vậy tôi đổi sang 3 ngày chạy một lần để cơ thể có thể thích ứng.

Sau khi điều chỉnh theo tình trạng thể chất của mình, chỉ cần 1 tháng, tôi có thể nhẹ nhàng chạy hết 5km. Sit-up làm cũng ngày một nhiều hơn, các vấn đề cơ thể do dùng máy tính nhiều và ngồi quá lâu cũng dần thuyên giảm.

Đem những thứ khó khăn, những chuyện lớn, phân tích nó, bóc tách nó, cụ thể hóa nó, rồi điều chỉnh tiết tấu của mình, mỗi lần làm một chút, theo thứ tự, kiên trì bám sát nó, thời gian sẽ mang lại cho bạn kết quả vô cùng bất ngờ.

Người tự giác kỉ luật, không phải đẻ ra đã ưu tú, mà là bởi họ biết 3 quy luật nhỏ - Ảnh 2.

Never give up!

Thứ ba: Nói bao giờ cũng dễ hơn làm, nhưng nếu thực sự muốn làm, khó cũng thành dễ

Quẻ Lý trong "Kinh Dịch" nói: "Lý hổ vĩ, bất hý nhân, hanh".

Lý là lý động, hành động.

"Kinh dịch" nói, hành động không dễ dàng, cũng giống như đi sau đuôi con hổ vậy, nó khiến con người ta cảm thấy áp lực rất lớn. Có người sẽ vì sợ hãi mà lùi bước. Nhưng, hổ không ăn thịt người, hành động, cuối cùng rồi sẽ đạt được kết quả.

"Kinh dịch" dùng "lý hổ vĩ" để so sánh, nói một cách hình tượng rằng: Hành động có độ khó nhất định. Kiểu khó khăn này chỉ cần có thể khắc phục thì nhất định sẽ cho ra được kết quả tốt.

Nhiều khi, chúng ta không thể tự giác kỉ luật, chỉ vì bạn nghĩ quá nhiều, tìm ra cho mình một lý do khá thuyết phục, rồi ngồi đó an tâm mà không làm gì cả.

Độ khó của hành động không nằm ở bản thân hành động, mà nó nằm ở tâm lý "lười biếng" của mỗi người. Con người ta, khi ở quá lâu trong một trạng thái nào đó, theo bản năng sẽ có tâm lý kháng cự lại sự thay đổi.

Cũng có nghĩa là, một khi đã có thói quen lười biếng rồi, tiềm thức sẽ kháng cự lại sự tự giác kỉ luật.

Bạn muốn phấn đấu, muốn làm gì đó, bản năng cơ thể sẽ làm tiêu mòn ý chí cả bạn, kéo bạn lại phía sau. Chỉ khi bạn muốn chiến thắng lại bản năng, đột phá ra khỏi giới hạn của sự lười biếng, bạn mới có thể bảo vệ được thành quả của tự giác kỉ luật.

Muốn thay đổi tiềm thức, cách duy nhất là đừng có nghĩ quá nhiều, ngừng viện cớ, kiên trì và lập tức đi làm.

Cứ đơn cử lấy việc chạy bộ của tôi ra làm ví dụ, trong quá trình này tất nhiên có rất nhiều cản trở, nào là mưa suốt 1 tuần liền, hay ốm tới nửa tháng trời, hoặc nhiều khi có việc gấp, không thể không làm. Tất cả những nhân tố không thể kháng cự đó đã làm đứt đoạn quá trình tập chạy của tôi.

Nhưng tôi không hề nản lòng hay từ bỏ. Trở ngại hết rồi, tôi lại tiếp tục chạy. Dẫu sao thì thời gian còn lại cũng là của tôi tất, tôi sẽ tiếp tục chạy tới già.

Người tự giác kỉ luật, không phải đẻ ra đã ưu tú, mà là bởi họ biết 3 quy luật nhỏ - Ảnh 3.

Action!

Nói tóm lại, có 3 quy luật về tự giác kỉ luật mà bạn nên nhớ:

Tự giác kỉ luật nên làm từ những điều nhỏ nhặt, tích tiểu thành đại, rồi một lúc nào đó lấy ra dùng.

Tự giác kỉ luật quý ở kiên trì, phân tách, cụ thể hóa những chuyện khó khăn hay chuyện lớn ra, rồi bạn sẽ làm được.

Bớt nghĩ lại, làm nhiều lên, không viện lý do, lập tức hành động, khó khăn rồi sẽ trở nên dễ dàng.