Ngăn chặn thông tin xấu độc
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận); Nguyễn Tọa (Lâm Đồng); Trần Công Thuật (Quảng Bình) đã chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn các vấn đề: Giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc từ các trang mạng mạo danh lãnh đạo, phòng chống tin nhắn rác; giải pháp ngăn ngừa thông tin xấu độc, định hướng thông tin trên internet...
Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, thế giới ngày nay đang dịch chuyển theo hướng xã hội thông tin, liên tục đặt ra thách thức mới cho cơ quan quản lý. Biểu hiện dễ thấy nhất là sự ra đời của mạng xã hội – một kênh thông tin giúp người dân trao đổi, tương tác không phân biệt không gian, thời gian. Do đặc tính siêu việt đó, mạng xã hội đã trở thành một kênh thông tin mạnh mẽ mà như đánh giá của nhiều nước, đây sẽ sớm trở thành một quyền lực mới, chiếm lĩnh xã hội.
Tại Việt Nam, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam tương đối cao, hiện có 45 triệu người dùng Facebook. Việt Nam cũng là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Youtube cao nhất thế giới.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội
Bên cạnh những đặc tính ưu việt, theo Bộ trưởng, hầu hết các nước trên thế giới đều đau đầu với vấn nạn thông tin xấu trên mạng xã hội. Tại Việt Nam, nhận thức của một bộ phận người dân về mạng xã hội còn thấp nên nhiều người bị lợi dụng, mạng xã hội trở thành nơi tung tin các vấn đề phản cảm, vi phạm đạo đức, tạo thành vấn đề phức tạp nhất hiện nay. Các nguồn cấp tin tác động bằng việc tung tin giả, phát tán thông tin xấu độc, kích động hằn thù, xúc phạm cá nhân tổ chức, chủ yếu bắt nguồn từ mạng xã hội hoạt động xuyên biên giới đưa vào Việt Nam”.
Với những trường hợp xác định được nhân thân người tung tin trên mạng thì có thể quy trách nhiệm, xử phạt. Năm 2016, Bộ Thông tin – Truyền thông xử lý được 16 trường hợp vi phạm. Riêng ít tháng đầu năm 2017, đã có 10 trường hợp bị xử phạt.
Với những trường hợp không xác định được nhân thân người phát tán thì Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông cho biết, gần đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38, từ giữa tháng 2/2017, về việc cung cấp thông tin qua biên giới để buộc những đơn vị cung cấp dịch vụ phải gỡ bỏ thông tin sai phạm. Đây là công cụ pháp lý quan trọng với cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ trưởng dẫn chứng, vừa qua Bộ đã cảnh báo rộng rãi về việc nhiều quảng cáo của Google, Youtube đang đặt trên nền những video clip bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Điều này dẫn đến việc các đơn vị, doanh nghiệp đồng loạt dừng quảng cáo trên công cụ Google, Youtube, buộc nhà cung cấp dịch vụ này phải xem lại những nội dung truyền tải của mình.
“Thời gian vừa qua, chúng tôi đã phát hiện gần 2.200 video clip có nội dung nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thông báo với các nhà cung cấp dịch vụ. Theo đó, Google đã giúp gỡ bỏ gần 1.200 video clip, trong đó gỡ hẳn 1 kênh thông tin phản động là chủ của hơn 500 clip vi phạm” – Bộ trưởng thông tin cho biết và nhấn mạnh: “Thông tin trên báo chí chính thống nếu không đầy đủ và chậm thì người dân sẽ tìm đến mạng xã hội. Phải khẳng định là người dân vẫn tin vào báo chí chính thống nên người đọc trên kênh thông tin này vẫn áp đảo và đây chính là giải pháp để “đấu” lại với thông tin sai quấy trên mạng. Chúng tôi sẽ chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, như vừa qua, để báo chí nêu được đậm nét về những vi phạm của Google, Facebook. Đó là cách để đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ phải tuân thủ pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam”.
Không phải thông tin nào cũng đưa lên mặt báo
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: “Báo giấy và báo mạng có nhiều bài phản ảnh góc độ tiêu cực, tác động tiêu cực đến xã hội. Những bài báo tích cực để tác động vào đời sống xã hội chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay. Vậy Bộ làm gì để đáp ứng yêu cầu đó của hoạt động báo chí hiện nay?”.
Bộ trưởng thừa nhận tình trạng nhiều báo, nhất là báo điện tử khai thác nhiều vụ án chủ yếu lấy từ kết quả điều tra về các vụ án tiêu cực, án mạng tạo cảm giác nặng nề... Khi viết vụ án mô tả chi tiết tình tiết tăng nặng, khi viết về tai nạn càng thảm khốc càng thích, khi viết về thiên tai càng nặng nề tỏ ra bài báo có giá trị.
“Đây là cách làm báo không đúng đạo đức nghề nghiệp”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh và cho biết, Bộ tiếp tục xử lý nghiêm khắc và xử lí cả lãnh đạo báo chí nếu để xảy ra sai phạm. “Với việc chỉ đạo thường xuyên và kịp thời, thông tin báo chí về các vụ án gần đây cơ bản thực hiện đúng quy định, làm mờ hình ảnh giết người không để như trước, không khai thác các tình tiết rùng rợn”, Bộ trưởng TT&TT cho biết.
Trong thời gian tới bộ phối hợp Ban Tuyên giáo TƯ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí về vấn đề này và tăng cường thanh tra, kiểm tra để các cơ quan báo chí đi đúng tôn chỉ mục đích, phục vụ tốt hơn công tác thông tin như kiến nghị cử tri.
“Một điều chúng tôi hay nói với các cơ quan báo chí, xét về mặt thông tin không sai nhưng về mặt đạo đức không phải cứ thông tin nào cũng đưa lên mặt báo. Có những nội dung vì đạo đức không thể đưa lên mặt báo”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý.