Thông tin từ Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB-XH) cho biết, các trường CĐ thuộc khối các trường do Bộ GD-ĐT quản lý trước đây đang đề xuất khai thác hệ thống phần mềm tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT xây dựng phục vụ tuyển sinh ĐH.
Cụ thể, theo quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT năm nay, các nguyện vọng xét tuyển vào ĐH mà thi sính đăng ký sẽ được cập nhật lên phần mềm quản lý tuyển sinh nằm trong Cổng thông tin tuyển sinh do Bộ xây dựng.
Hệ thống này của Bộ GD sẽ giúp các trường "lọc ảo" để đưa ra phương án điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển sát thực tế nhất dựa trên nguyên tắc, thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất với mức điểm của mình.
Các trường CĐ mong muốn sẽ tuyển sinh chung với các trường ĐH trong năm 2017. Ảnh: Đinh Tuấn.
Do vậy, các trường CĐ đề xuất lên Tổng cục Dạy nghề để đề nghị Bộ GD cho phép thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường CĐ và cập nhật dữ liệu này lên phần mềm tuyển sinh của Bộ GD để thực hiện tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT.
Trước đó, đầu tháng 11, hơn 500 trường CĐ, TCCN đã được Bộ GD-ĐT bàn giao về Bộ LĐTB-XH.
Hiện tại, Tổng cục Dạy nghề - đơn vị được giao quản lý giáo dục nghề nghiệp của Bộ LĐTB-XH đang đặt lịch làm việc với Bộ GD-ĐT để bàn về phương án sử dụng chung phần mềm tuyển sinh.
Thông tin từ Tổng cục Dạy nghề cũng cho biết, năm nay, Bộ GD-ĐT đã bỏ điểm sàn ĐH nên việc sử dụng chung hệ thống phần mềm quản lý tuyển sinh sẽ không có vướng mắc gì.
Thực tế, dự thảo Thông tư Quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh
trình độ trung cấp, cao đẳng do Bộ LĐTB-XH công bố để lấy ý kiến từ cuối tháng 9 đã đề cập đến "hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia".
Cụ thể, tại điều 18, mục 3 quy định về tổ chức xét tuyển đối với trình độ cao đẳng dựa trên kết quả thi THPT quốc gia có yêu cầu các trường cập nhật dữ liệu ĐKXT vào trường lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia; 3 ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh ĐKXT xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp.
Thời điểm đó, dư luận cho rằng, dự thảo quy chế tuyển sinh của Bộ LĐTB-XH lặp lại khá nhiều nội dung của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ mà Bộ GD-ĐT ban hành năm 2015 và đặt câu hỏi, phải chăng, Bộ LĐTB-XH sẽ xây dựng một hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh riêng, bên cạnh hệ thống của Bộ GD-ĐT (?).
Không quy định điểm sàn cao đẳng
Thông tin từ Tổng cục Dạy nghề cũng cho hay, theo quy chế tuyển sinh cao đẳng, trung cấp năm nay, các trường có thể tuyển sinh một hay nhiều lần trong năm, tùy thuộc đề án tự chủ tuyển sinh do các trường xây dựng
Về hình thức tuyển sinh, các trường có thể sử dụng cả 3 hình thức: Xét tuyển, thi tuyển và kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn hình thức nào cũng tùy vào các trường để đảm bảo chất lượng đầu vào. Đối với một số ngành, trường yêu cầu cao hơn về đầu vào hay yêu cầu các môn năng khiếu có thể tổ chức thi tuyển riêng.
Chỉ tiêu tuyển sinh cũng được các trường đưa ra trong đề án tuyển sinh dựa trên năng lực cũng như cơ sở vật chất, số lượng giảng viên quy đổi đã được quy định. Tuy nhiên, Bộ Bộ LĐTB-XH cho phép các trường linh hoạt xác định chỉ tiêu cho từng bậc học hoặc từng ngành nghề và đăng ký theo từng năm.
Về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với trình độ cao đẳng, thông tin từ Tổng cục Dạy nghề cho biết, Bộ LĐTB-XH sẽ không đưa ra ngưỡng này. Thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT đối với hệ CĐ và tốt nghiệp THCS đối với hệ trung cấp là có thể đăng ký xét tuyển.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đầu vào các trường có thể đưa ra một số tiêu chí nhất định tùy theo đề án của từng trường.
Tổng Cục Dạy nghề cũng cho biết, các trường cao đẳng, trung cấp khối công an, y tế vốn là những trường "hot" và thuộc quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT trước đây đã thống nhất với phương án tuyển sinh mà Bộ LĐTB-XH đưa ra tại thông tư.
Theo Lê Văn (Vietnamnet.vn)