Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Không sai nhưng phản cảm

 
Hình ảnh tươi rói của thí sinh thi Hoa hậu hoàn vũ 2017 đối lập với cảnh tượng tan hoang do bão số 12 gây ra ở Nha Trang khiến cộng đồng phê phán. Ảnh: KT
                                                   
“Điển hình” của sự phản cảm?
 
Tối 4/11/ 2017, bán kết Hoa hậu Hoàn vũ 2017 vẫn diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa) dù đây là nơi chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 12, hàng chục người chết và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà đổ nát, tan hoang. Ngay sau đó, trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức thi hoa hậu giữa lúc mưa bão tang thương, thiệt hại nặng nề thế này là không phù hợp. Đó là chưa kể đến những yếu tố bất tiện, mất an toàn cho thí sinh, khán giả.
 
Cộng đồng mạng không khó gì khi trương lên những hình ảnh đối lập: Các thí sinh thi hoa hậu lộng lẫy, tươi cười trong trang phục áo tắm; người dân khóc mếu bên những ngôi nhà tan hoang, hay lội bì bõm trong nước. Những bức ảnh này gây cho người xem cảm giác khó chịu. Có thể nói đây là “điển hình” của sự phản cảm.
 
Có thể hiểu được nhiều người đặt những câu hỏi gay gắt: “Tại sao không dời ngày? Thi hoa hậu giữa lúc bão vừa đi qua tức thì, có kỳ cục không?”, “Có vẻ như ban tổ chức hoàn toàn vô cảm trước nỗi đau mất mát nên vẫn tổ chức thi hoa hậu?”.
 
Trước những phản ứng như vậy, đại diện BTC cho biết: Đây là cuộc thi cấp quốc gia chứ không phải riêng gì một địa phương. Bão vào sáng sớm, đến hơn 10 giờ thì  tan; mưa gió không làm ảnh hưởng đến sân khấu; vẫn đảm bảo an toàn; dù mưa bão nhưng các đại biểu, khách mời đều đã có mặt; dời ngày diễn ra bán kết sẽ ảnh hưởng rất lớn...
 
Nói như vậy cũng phản cảm không kém vì người nói hầu như không hiểu, không có một chút tinh tế trong cách ứng xử.
 
Duy lý, duy mỹ, duy tình
 
Người người, trong đó có những người có chức, có quyền tỏ ra uất ức trước những hình ảnh và cách trả lời của đại diện ban tổ chức. Nhưng tôi phải nói ngay, dù tức giận đến mấy cũng không thể xử phạt họ được vì họ không sai gì cả. Hình như họ là những người duy lý, họ luôn luôn đúng.
 
Còn những người duy mỹ, duy tình (sống vì cái đẹp, vì sự hợp lý, vì yêu mến và cảm thông với nhau) thì cảm thấy cay đắng, xót xa. Thôi, đành ngậm ngùi chịu đựng vậy. Từ “phản cảm” giúp chúng ta xả đi một chút nỗi bực mình. Nhưng có một từ dân dã hơn, mềm mại hơn nhưng có tính phê phán cao hơn. Đó là từ “khó coi”. Trong dân gian thường sử dụng từ này để chỉ những cái ác, cái xấu nhưng chưa đến mức phải xử lý bằng hành chính hay pháp luật.
 
Vậy việc làm khó coi cũng là việc nên tránh.

Nghè Nghệ/TC GĐ&TE