Gần đây, trên các diễn đàn lan truyền chiến dịch kêu gọi bảo vệ loài chó khỏi các hoạt động trộm cắp, giết thịt và tiêu thụ. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, vẫn còn rất nhiều người cho rằng thịt chó là món ăn ngon và bình đẳng như thịt heo, thịt gà và việc ăn thịt chó là quyền lợi bình thường cũng như là văn hóa của Việt Nam.
Những tranh cãi giữa hai luồng ý kiến trên diễn ra đã lâu và có vẻ vẫn chưa có hồi kết. Thật ra, những người ăn thịt chó, mèo không phạm luật, cũng như họ hoàn toàn có quyền chọn lựa loại thực phẩm theo nhu cầu, có đất nước không ăn thịt bò, nơi khác lại không được phép dùng thịt heo.
Thế nhưng ở những nơi mà nhiều nhu cầu va chạm, mâu thuẫn với nhau, điển hình như trường hợp ở Việt Nam là giữa những người ăn thịt chó, mèo với những người yêu thương chó, mèo thì vai trò của luật là rất quan trọng.
Nếu một ngày nào đó điều này xảy ra với vịt hay gà (biết đâu trong tương lai người ta chọn làm bạn với vịt, gà...) thì cũng sẽ phải có những quy định của xã hội và nhà nước để cân bằng các nhu cầu đó. Vì vậy, có lẽ trước mắt, theo tôi chúng ta nên và chỉ có thể vận động để ra luật về việc xem chó mèo là tài sản sở hữu cá nhân có giá trị và hành vi bắt trộm sẽ bị xét xử nặng hơn.
Nhiều người cho rằng thịt chó là món ăn ngon và bình đẳng như thịt heo, thịt gà.
Hoạt động mua bán, giết mổ, cần phải đưa vào các quy định về nhân giống, chăn nuôi, chuồng trại, mà quan trọng nhất là các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm như với gà, vịt, heo, bò...
Nếu quản lý chặt chẽ các hoạt động mua bán vận chuyển chó mèo, thì những nhóm hay tổ chức trộm cắp rồi tiêu thụ sẽ phải chịu tội như buôn lậu, trốn thuế, không giấy phép kinh doanh...
Có thể từ đó sẽ hình thành những cơ sở kinh doanh thịt chó, mèo chuyên nghiệp, nhưng chắc chắn chó, mèo của cá nhân sẽ không còn bị bắt. Người ăn thịt chó cũng không sợ ăn phải thực phẩm có độc hay ăn phải con chó, con mèo của bạn bè, người thân.
Còn việc có tiếp tục duy trì thói quen ăn thịt chó, mèo hay không, theo tôi cũng giống như ma túy, rượu bia, thuốc lá, khi xã hội thay đổi, quan điểm và nhận thức về việc lựa chọn thực phẩm của mỗi cá nhân trong cộng đồng cũng sẽ thay đổi theo.
Bên cạnh đó, đối với những cá nhân sở hữu chó mèo, tôi cho rằng cũng phải có những quy định quản lý như không thả chó, mèo chạy rông. Chó, mèo phải được ghi rõ nguồn gốc, chăm sóc sức khỏe, không để chúng tự do phóng uế nơi công cộng, kiểm soát số lượng cá thể, tiếng ồn... để không chỉ bảo vệ cho chính chó, mèo của mình, mà còn không để gây ảnh hưởng, làm phiền người khác.
Có thể với tình hình đất nước hiện giờ, chó, mèo không phải là vấn đề quan trọng nhất. Thế nhưng vì chó, mèo mà đã có nhiều người chết thì việc nhà nước phải quan tâm để ra những luật, quy định phù hợp là điều rất cần thiết và phải làm ngay.