Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Không thể đánh đổi kinh tế với sinh mạng người dân

Những hệ lụy và những hiểm họa đang treo lơ lửng trên đầu người dân từ các bãi thải than đặt ra vấn đề, liệu ngành than có đang phát triển quá nóng, cần những biện pháp hữu hiệu nào để xử lý các vấn đề sau khai thác?

 

Có thể giảm được thiệt hại?

Để khôi phục sản xuất của ngành than sau mưa lũ, Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật công nghiệp và môi trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Quang Vinh đặt câu hỏi : Liệu việc khôi phục nhanh sản xuất có tiếp tục dẫn đến nguy cơ mất an toàn, liệu có nên tiếp tục đổ thải ở các bãi thải hiện có, khi mà nhiều bãi thải trên thực tế chưa đạt đến cao trình thiết kế, nhưng đã gây nhiều hệ lụy?. 

Đất đá từ bãi thải vùi lấp nhà xưởng tại Cty than Hòn Gai (Quảng Ninh). Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Ông cho biết, nhiều bãi thải than chiều cao bãi đổ thải +300m và mới đạt đến cao độ 150-250m, chỉ ít khu vực đổ đến mức +300. Tuy nhiên trong trận mưa lũ vừa qua, các bãi thải vẫn sạt lở, cuốn theo bùn đất trôi dạt, khiến nhà dân khu vực xung quanh bị cuốn theo. Câu hỏi đặt ra có nên tiếp tục đổ thải ở các bãi thải nêu trên?

ThS Đỗ Thanh Bái, chuyên gia về hoá học và môi trường thuộc Hội Hoá học Việt Nam phân tích: Thảm hoạ vừa qua ở Quảng Ninh vượt quá sự tính toán và dự phòng rất nhiều lần, gây ra thảm hoạ về kinh tế và đặc biệt là môi trường. Qua đây cũng cho thấy, trong khai thác than cần đặt ra những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về bãi thải như quy mô sức chứa, làm kè chắn, trồng cây, hoàn thổ… nhưng tất cả những điều này dù được TKV thực hiện nhưng chưa đầy đủ”. 

Trong khi đó, bãi thải than ở phường Hòa Khánh (TP.Hạ Long) dù hiện đổ tới cao độ +300m nhưng hoàn toàn không có che chắn. TS Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam  cảnh báo: “Đấy chỉ là “cái núi” nhân tạo cứ đổ lên mãi, gặp mưa lớn, sạt trượt xuống là bình thường”.

 

Không để người dân sống gần bãi thải than

Trên thực tế, các khu vực khai thác than tại Quảng Ninh hiện có tới 9 bãi thải, được hình thành từ lâu và phần lớn đều có các hộ dân sinh sống xung quang khu vực để mót than. Dù có quy hoạch bãi thải xa khu dân cư, nhưng không ít trường hợp dân lấn chiếm, tự ý vào khu vực bãi thải để mót than dẫn đến những hệ lụy tiêu cực. Theo thời gian, những bãi thải lớn dần, một số bãi thải tịnh tiến vào gần khu đô thị như Nam Đèo Nai, Nam Lộ Phong hoặc bị bao bọc bởi các khu dân cư hình thành sau tiến đến gần sát ngay chân bãi thải như Đông Cao Sơn, khu vực các mỏ Cao Sơn, Đèo Nai, Cọc Sáu.

Sau khi mưa lũ đi qua, TKV đang tập trung mọi nỗ lực để sớm khôi phục lại sản xuất. Giải pháp trước mắt đối với các bãi thải than sạt lở nghiêm trọng, theo một lãnh đạo TKV, các đơn vị đang tập trung gia cố đập chắn chân bãi thải Đông Cao Sơn; bơm tháo nước, chống ngập các hầm lò, khu vực khai thác. Một số khu vực sạt lở lớn bắt buộc phải làm rọ thép chắn, thậm chí đổ bêtông, không cho bãi thải tràn xuống đường. 

Tại khu vực bãi thải Đông Cao Sơn (phường Mông Dương), TP.Cẩm Phả bắt buộc di dời vĩnh viễn 94 hộ dân do nằm trong khu vực quá nguy hiểm, tái định cư tại khu vực Cẩm Phả, dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành. Căn cơ lâu dài, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu TKV phải rà soát, bổ sung phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; có phương án thiết kế, quy hoạch các bãi thải, về quy mô, đường sá, và cả quy hoạch các khu dân cư, di dời dân đến nơi an toàn. Không để các hộ dân sống ở khu vực chân bãi thải, gần kênh thoát nước.

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch TKV  cho biết, theo lộ trình kết thúc khai thác lộ thiên ở các khu vực Hòn Gai và Cẩm Phả được Chính phủ phê duyệt, các khu vực chủ lực về lộ thiên ở Cẩm Phả hiện nay như mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu, Cao Sơn sẽ kết thúc khai thác vào năm 2033-2034; khu vực Hòn Gai kết thúc vào năm 2022, riêng mỏ Núi Béo kết thúc vào năm 2018. Sau khi ngừng khai thác, TKV buộc phải hoàn nguyên, trồng cây để trả lại cảnh quan và xử lý triệt để các bãi thải nguy hại. Tuy nhiên, từ nay đến lúc đó, song song với việc khai thác, TKV sẽ phải chi thêm kinh phí để xử lý môi trường. Đây là việc tốn kém cũng phải làm.

Theo ông Ngô Hoàng Ngân, Phó Tổng Giám đốc TKV, hiện TKV đang khảo sát các bãi thải than và tùy theo vị trí, chỗ nào vẫn đổ thải được vẫn tiếp tục đổ và chỗ nào không đổ được sẽ tiến hành cải tạo. Hiện không có bãi thải nào vượt quá độ cao cho phép, đều trong quy hoạch +250 - 300m. Các bãi thải vẫn đang ở trong giai đoạn có thể tiếp tục đổ theo quy hoạch cho phép. 

Vấn đề bây giờ, sau mưa lũ vừa qua, TKV sẽ xem xét, ở những vị trí nào ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân, TKV và tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu di dân đi nơi khác, để sau này nếu có mưa lũ lớn như đợt vừa qua cũng không ảnh hưởng đến người dân. Với những bãi thải được lấp đầy, sẽ tiếp tục hoàn nguyên, cắt tầng, trồng cây nhằm chống sạt lở.