Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Khuyến cáo an toàn phòng cháy, chữa cháy cho chung cư mini, nhà trọ

Chung cư mini là loại hình nhà ở rất phổ biến ở Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên các tỉnh cũng như nhiều hộ gia đình trẻ. Phần lớn chung cư mini đều được xây dựng trong những ngõ, ngách chật chội, sâu hun hút, ngoằn nghoèo, đan xen dày đặc với các nhà cao tầng không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Hiện trường vụ cháy chung cư mini tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ (quận Thanh Xuân) .

Hiện trường vụ cháy chung cư mini tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ (quận Thanh Xuân) .

Yêu cầu về phòng cháy chữa cháy với chung cư mini như thế nào?

Căn cứ Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy với chung cư mini được quy định như sau:

* Xét theo khía cạnh là chung cư:

- Với nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3

Có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ/biển chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn đúng chuẩn.

Có phương án chữa cháy đã được phê duyệt.

Hệ thống điện, chống sét, tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc dùng nguồn lửa, nguồn nhiệt đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đúng theo tiêu chuẩn.

Có hệ thống cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc phục vụ công tác chữa cháy; hệ thống báo cháy, ngăn cháy, ngăn khói và thoát nạn, phương tiện cứu người đảm bảo đúng tiêu chuẩn.

Có phân công và quy định nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Những người được phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ.

- Với nhà chung cư cao 7 tầng trở lên

Ngoài những yêu cầu về phòng cháy chữa cháy cho chung cư mini dưới 7 tầng ở trên thì với chung cư trên 7 tầng còn phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Những yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy ở trên phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện trước khi đưa vào hoạt động và được duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

* Xét theo khía cạnh là nhà ở riêng lẻ cao tầng

Nếu chung cư mini chỉ là tên gọi mà không có đặc điểm của chung cư và là cách gọi khác của nhà ở riêng lẻ cao tầng thì cần phải đáp ứng yêu cầu nêu tại Điều 7 Nghị định 136/2020/NĐ-CP dưới đây:

- Phải đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy khi bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng.

- Để các chất dễ cháy, nổ phải xa nguồn lửa, nguồn nhiệt;

- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy như bình cứu hoả...

- Chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động những công việc trên để luôn sẵn sàng phòng cháy, chữa cháy nếu cần.

Ngoài ra, nếu chung cư mini là cách gọi khác của nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc có nhiều hơn 1 - 3 tầng hầm thì phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về an toàn cháy cho nhà và công trình ban hành kèm theo Thông tư số 06/2022/TT-BXD.

Trong đó, có thể kể đến một số yêu cầu như sau:

- Bố trí chung với lối đi của nhà hoặc lối đi riêng các đường cho xe chữa cháy, bãi đỗ xe chữa cháy.

- Bố trí các thang chữa cháy ngoài nhà và bảo đảm các phương tiện cần thiết khác để đưa lực lượng chữa cháy cùng các trang thiết bị kỹ thuật chữa cháy đến các tầng và mái của các nhà

- Bố trí đường ống cấp nước chữa cháy, kết hợp với các đường ống cấp nước sinh hoạt hoặc riêng

- Số lối ra thoát nạn từ một nhà không được ít hơn số lối ra thoát nạn từ bất kỳ tầng nào của nhà đó...

Ngay sau khi vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại chung cư mini 9 tầng, tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ (quận Thanh Xuân). Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) đã phát đi khuyến cáo để đảm bảo an toàn cháy nổ và thoát nạn khi có cháy. Theo đó, song song với việc chấp hành nghiêm ngặt các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), cơ quan, tổ chức và cá nhân quản lý công trình nhiều tầng cần tuân thủ các biện pháp:

Có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ xảy cháy. Trong hoạt động phải sử dụng xăng, dầu, khí đốt và các chất nguy hiểm về cháy, nổ khác... phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.

Nơi đun nấu, nơi được phép sử dụng lửa phải có quy định đảm bảo an toàn PCCC và giải pháp ngăn cháy lan.

Lắp đặt thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện của toàn bộ công trình, từng tầng, từng phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn. Có biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi sử dụng thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị điện sinh nhiệt.

Xây tường, trần và khoang đệm ngăn cháy giữa các khu vực; cửa đi, cửa sổ ở tường ngăn cháy phải là cửa chống cháy. Không sử dụng các vật liệu dễ cháy để làm trần, mái, vách ngăn, cách âm... rèm, phông màn, thảm phải được ngâm tẩm chất chống cháy.

Hộp, ống kỹ thuật thông tầng hoặc thông giữa các hệ thống được làm bằng vật liệu không cháy và chèn kín bằng vật liệu không cháy.

Bố trí các bộ phận không nguy hiểm hoặc ít nguy hiểm về cháy xen kẽ giữa các bộ phận nguy hiểm về cháy để chống cháy lan.

Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động đảm bảo chữa cháy được trên toàn bộ diện tích.

Thiết kế, lắp đặt hệ thống chống sét theo quy định.

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng cho biết, phải đảm bảo các yêu cầu về có đủ lối thoát nạn, bố trí phòng lánh nạn tạm thời, lối thoát nạn dự phòng. Có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói cho hệ thống lối thoát nạn.

Cửa đi trên lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng.

Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho toàn bộ công trình, từng khu vực, từng tầng. Có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.

Thành lập đội PCCC cơ sở, tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu hộ cứu nạn cho lực lượng PCCC, bảo vệ công trình.