Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kỉ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sĩ: Lần đầu tổ chức gặp mặt đại biểu đại diện Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc họp


Một trong chuỗi các sự kiện quan trọng trong năm 2020

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hàng năm vào dịp Kỉ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân, tưởng nhớ công ơn của những anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với các mạng đã cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Năm nay - 2020 là năm có các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc tổ chức trang trọng các hoạt động kỉ niệm 73 năm ngày Thương binh, liệt sĩ sẽ là một trong chuỗi các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong năm 2020. Đây chính là dịp để tri ân, tưởng nhớ công ơn của những anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục người có công cho biết, dự kiến các nội dung chính trong tổ chức các hoạt động kỉ niệm 73 gồm: Lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; Viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổ chức Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình liệt sĩ; Gặp mặt đại biểu đại diện Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc; Thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Dự kiến Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) vào tháng 8/2020.

Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2020): Cần cách làm mới, sáng tạo - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi làm việc.

Cần có cách làm mới, sáng tạo

Hằng năm, Thủ tướng cho phép Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân và UBND địa phương tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc với nhiều chủ đề, đối tượng khác nhau. Năm 2020, Bộ LĐTBXH xây dựng kế hoạch tổ chức gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đại diện cho những người mẹ đã đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc bằng sự hi sinh thầm lặng và vĩ đại. Sự hi sinh cao cả, bất khuất, kiên trung của các mẹ đã trở thành tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ đời đời ghi nhớ, tri ân và biết ơn sâu sắc.

Tính đến nay, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 138.400 mẹ; cả nước còn 5.000 mẹ còn sống song tuổi cao, sức khỏe yếu. Mặc dù vậy, nhiều bà mẹ vẫn là tấm gương sáng ngời trong cuộc sống, có mẹ 94 tuổi vẫn ngồi máy may khẩu trang miễn phí phát cho dân nghèo trong đợt dịch COVID - 19.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, bên cạnh những hoạt động lớn như gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, và tuyên dương những người có công với cách mạng, hoạt động trọng tâm nhất của năm nay là cuộc Gặp mặt đại biểu đại diện Bà mẹ VNAH toàn quốc. Cuộc gặp gỡ sẽ là một sự kiện rất có ý nghĩa thể hiện sự tri ân sâu sắc, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước đối với công tác chăm sóc đối với người có công với cách mạng. Sự kiện cũng là dịp để động viên kịp thời các Bà mẹ VNAH, những người đã không ngừng nỗ lực trong cuộc sống, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, là những tấm gương sáng cho thế hệ noi theo. Do vậy, Bộ trưởng lưu ý các đơn vị tổ chức cần có cách làm mới, sáng tạo khi tổ chức chương trình này. Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu công tác tổ chức và chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng phải đảm bảo phù hợp, an toàn, chu đáo.

Theo Bộ trưởng, năm nay cũng là năm kết thúc thực hiện 4 nhiệm vụ cơ bản, thực hiện Chỉ thị 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng". Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị kiểm điểm lại việc thực hiện Chỉ thị 14 để chuẩn bị kế hoạch một cách bài bản hơn, căn cơ hơn. Bên cạnh đó, tập trung chuẩn bị thật tốt để trình Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) lên Chính phủ để trình thường vụ Quốc hội, đồng thời triển khai sửa đổi hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ người có công và thân nhân người có công.

Đề nghị các đơn vị xem xét, rà soát tập trung để giải quyết hết những hồ sơ còn tồn đọng sau chiến tranh, phấn đấu đến hết năm 2020 giải quyết căn bản đối với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến hết tháng 7/2020 cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

Đặc biệt, “tất cả những bia mộ còn chữ "Vô danh" cần được sửa lại theo đúng quy định của Nhà nước trước ngày 27/7 năm nay”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Bộ trưởng yêu cầu tất cả các địa phương dùng một phần kinh phí hỗ trợ của Bộ LĐTBXH và nguồn kinh phí địa phương để làm lại bia mộ của các liệt sĩ chưa xác định danh tính.

Châu Anh/ GĐTE