Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kiểm kê rừng tại 5 tỉnh vùng Tây Nguyên

Lê Nhuận
Lê Nhuận

Chiều 28/11, tại Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với 5 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum tổ chức Hội nghị triển khai kiểm kê rừng.

Ngày 20/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 1826/QĐ-BNN-KL ban hành Kế hoạch kiểm kê rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên. 

Theo đó, 5 tỉnh vùng Tây Nguyên sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ triển khai công tác kiểm kê rừng, đặc biệt là hỗ trợ thực hiện nội dung tiếp nhận ảnh, giải đoán ảnh viễn thám để bàn giao cho các tỉnh làm cơ sở ban đầu nhằm tổ chức điều tra, kiểm kê rừng theo quy định.

Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2023, tổng diện tích có rừng vùng Tây Nguyên hơn 2,5 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên gần 2,1 triệu ha (chiếm 81%), rừng trồng 492.113 ha (chiếm 19%); tỷ lệ che phủ rừng vùng Tây Nguyên đạt 46,34%. Toàn vùng có 12.944 chủ rừng nhóm I và 691 chủ rừng nhóm II.  

Kiểm kê rừng tại 5 tỉnh vùng Tây Nguyên - 1
Rừng bị phá tại Đắk Lắk (Ảnh: LN).

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhận thức về bảo vệ rừng của toàn xã hội được nâng lên; quan điểm đổi mới xã hội hoá về bảo vệ rừng được triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả. 

Hệ thống pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn và chủ trương đổi mới quản lý hiện nay; chế độ chính sách lâm nghiệp được ban hành và đang đi vào cuộc sống. 

Chính quyền các cấp đã quan tâm hơn trong đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng thông qua nhiều chương trình, đề án, dự án bảo vệ, phát triển rừng và an sinh xã hội đã tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quy hoạch sử dụng đất đai và bảo vệ rừng cũng đang phải chịu áp lực rất lớn từ vấn để phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong 10 năm qua, dữ liệu về rừng và đất chưa có rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên có nhiều biến động, đặc biệt tập trung ở những diện tích chưa có chủ quản lý, diện tích đã giao cho các chủ rừng như hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức kinh tế tư nhân. 

Mặc dù hàng năm, các tỉnh đã tổ chức rà soát cập nhật diễn biến rừng theo quy định nhưng chủ yếu vẫn tập trung về mặt diện tích, việc đánh giá chất lượng, trữ lượng rừng còn nhiều hạn chế.

Do đó, việc tổ chức thực hiện điều tra, kiểm kê rừng hiện nay là rất cần thiết, làm cơ sở để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp. 

Kết quả thực hiện kiểm kê rừng cũng là cơ sở để triển khai nội dung các quy hoạch như: quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Làm cơ sở tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông lâm nghiệp và định khung giá rừng theo hiện trạng thực tế.

Ngoài ra, kiểm kê rừng lần này cũng để đánh giá, phục vụ tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến tín chỉ các-bon, đang là xu thế chung của toàn thế giới với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và đảm bảo sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa cho biết, trong giai đoạn 2013-2016, công tác kiểm kê rừng toàn quốc đã được triển khai hiệu quả. 

Kết quả kiểm kê đã xác định được trên 1,1 triệu chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, thôn và 2.100 chủ rừng là tổ chức; xác lập được hồ sơ rừng cho các chủ rừng và chính quyền các cấp; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý cho 7,1 triệu lô rừng. 

Cơ sở dữ liệu được quản lý trong phần mềm phục vụ cho việc tra cứu, theo dõi, công tác lập quy hoạch, kế hoạch về lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương và làm căn cứ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.