Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện việc XPPHVTE, công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được quan tâm chỉ đạo và thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thông qua các hoạt động như: Tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông, vận động xã hội tham gia thực hiện quyền trẻ em trong “Tháng hành động vì trẻ em”, Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường, Ngày vi chất dinh dưỡng trẻ em, Diễn đàn trẻ em, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, Ngày Gia đình Việt Nam...
Đến nay nhiều chỉ tiêu cơ bản đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, cụ thể như: Tỉnh có Bệnh viện Sản nhi; 142/144 xã đạt chuẩn Quốc gia y tế; 100% trạm y tế ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng, quản lý sức khỏe, khám và chăm sóc sức khỏe trẻ em. 100% trung tâm, trạm y tế xã có nữ hộ sinh; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi từ 15,4% và 24% năm 2012 xuống còn 13,4% và 21,4%; tổ chức uống VitaminA hằng năm đạt 99,4%; cấp bảo hiểm y tế trẻ em dưới 6 tuổi đạt 99,8%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau đẻ đạt 98%. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy đinh dưỡng thể cân nặng theo tuổi còn 12,2%; thể chiều cao theo tuổi còn 20,3%. 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; tỉnh được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2016. Tỷ lệ trẻ em nhập học tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi đạt 94,63% và 91,4% vào năm 2016.
Tỉnh đã triển khai các mô hình can thiệp, trợ giúp trẻ em dựa vào cộng đồng và phát huy hiệu quả. Xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến cuối năm 2021 giảm còn 0,89%. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp bằng nhiều hình thức đạt 90,1%. Tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện sớm và can thiệp, trợ giúp đạt 94,3%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh năm 2021 là 92,7%. Hằng năm cấp trên 167.000 thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em, đạt tỷ lệ 99,8%. Tỉnh cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp can thiệp giảm tỷ lệ trẻ bị tai nạn thương tích, đặc biệt đuối nước, tai nạn giao thông. Triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn” tại 57 xã, phường, thị trấn; mô hình “Trường học an toàn”; mô hình “Cộng đồng an toàn”; giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích bình quân là 148,84/100.000 trẻ em; tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn thương tích bình quân hàng năm là 7,95/100.000 trẻ em.
Hoạt động vui chơi, giải trí được tổ chức rộng khắp trong trường học, địa bàn dân cư, với nhiều hình thức, tạo điều kiện cho trẻ được giao lưu, rèn luyện, phát huy năng khiếu, sở trường của mình. Tỉnh đã quy hoạch đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí đa chức năng, kết hợp vui chơi, giải trí cho trẻ em và người lớn; kết hợp vui chơi, giải trí với giáo dục nâng cao thể chất dành cho trẻ em. Hiện nay, tỉnh có hệ thống các nhà thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao, Công viên Văn hóa An Hòa, Trung tâm sinh hoạt cộng đồng thành phố Rạch Giá, rạp chiếu phim Thắng Lợi, 02 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, hệ thống thư viện, phòng, điểm đọc sách, hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống từ tỉnh đến cơ sở.
Các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ vui chơi giải trí trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được cải thiện đáng kể, đáp ứng nhu cầu vui chơi, sáng tạo của trẻ và tạo môi trường lành mạnh cho các em tham gia.
Tỉnh đã tăng cường các hoạt động truyền thông đại chúng; sinh hoạt định kỳ, tập huấn, bồi dưỡng, tư vấn, đối thoại, tọa đàm, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ, tư vấn tại gia đình, họp nhóm về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tổ chức 8 Lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em” và 9 diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, có khoảng 5.000 lượt người dự; 5 hội thi tìm hiểu Luật Trẻ em, với hơn 1.500 em tham gia.
Các cấp tổ chức Diễn đàn trẻ em với các chủ đề thiết thực về quyền, lợi ích của trẻ; tổ chức đối thoại trẻ em với các ngành, cơ quan quản lý thu hút gần 10.000 lượt em, qua đó tạo điều kiện cho trẻ em gặp gỡ lãnh đạo Trung ương, Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, HĐND tỉnh, huyện để nói lên ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; ý kiến của các em đã được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể giải đáp trực tiếp, nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện.
Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã được hình thành tại 100% xã, phường, thị trấn, Ban Chỉ đạo công tác trẻ em cấp huyện đạt 100%, Ban Chỉ đạo công tác trẻ em và Đội công tác liên ngành bảo vệ trẻ em cấp tỉnh. Tiếp nhận thông tin qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 do gia đình liên hệ cung cấp thông tin, từ đó đã phối hợp xác minh, hỗ trợ, can thiệp kịp thời 100% các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Triển khai duy trì hoạt động nhiều mô hình “hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”; mô hình “hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu lao động trẻ em”; đẩy mạnh các hoạt động trang bị kỹ năng sống cho trẻ em.
Bên cạnh những kết quả tích cực như ở trên, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của tỉnh vẫn còn có những hạn chế, khó khăn như: việc phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, mô hình “Trường học an toàn” từng lúc, từng nơi chưa thật sự hiệu quả. Trẻ bị xâm hại, trẻ trong lứa tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật tuy có giảm về số vụ nhưng tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, nguy hiểm. Việc thực hiện quyền vui chơi giải trí của trẻ em tuy đã chuyển biến tích cực nhưng chưa được quan tâm đúng mức; các điểm vui chơi, giải trí, phát triển năng khiếu cho trẻ còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ… đòi hỏi các cấp, các ngành cần nỗ lực cố gắng hơn nữa trong thời gian tới.
116/145 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em
Mới đây, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã đến tỉnh Kiên Giang kiểm tra tình hình thực hiện công tác trẻ em và kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg. Cùng đi có đại diện Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ); đại diện Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH).
Đoàn kiểm tra đã làm việc với Sở LĐ-TB&XH và các ban, ngành liên quan của tỉnh Kiên Giang, Ủy ban nhân dân TP. Hà Tiên, Ủy ban nhân dân phường Tô Châu. Về nội dung đánh giá việc thực hiện Quyết định 06/QĐ-TTg, Đoàn công tác đánh giá cao và ghi nhận sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, cụ thể của Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức thực hiện đánh giá, công nhận XPPHVTE theo Quyết định 06/QĐ-TTg.
Việc thực hiện XPTTPHVTE của tỉnh được đánh giá là thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm; tỉnh đã thực hiện tốt các tiêu chí về giáo dục, y tế, đặc biệt là tiêu chí số 13; việc tổ chức đánh giá, công nhận XPTTPHVTE thực chất. Năm 2019, tổng số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em là 116/145 xã, phường, thị trấn, chiếm tỷ lệ 80%.