Ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Kiên Giang.
* Thưa ông, xin ông cho biết những kết quả đạt được của ngành Lao động – TB&XH tỉnh trong thời gian qua?
- Ông Đặng Hồng Sơn: Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, tỉnh Kiên Giang có bước phát triển khá toàn diện, kinh tế tăng trưởng khá cao, chuyển dịch đúng hướng, các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là nông nghiệp, thủy sản, kinh tế biển, du lịch từng bước được khai thác hiệu quả.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên thời gian qua cấp ủy, chính quyền Tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp chăm lo đến các đối tượng chính sách. Công tác xã hội hóa chăm lo người có công được các địa phương đẩy mạnh. Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, từ ngân sách hỗ trợ, nguồn xã hội hóa… để chăm sóc, hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công. Hàng trăm căn nhà tình nghĩa dành tặng người có công được các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng trong thời gian qua. Nhiều sổ tiết kiệm tình nghĩa cũng được trao cho người có công, ngoài ra, tỉnh cũng tạo điều kiện hỗ trợ người có công với cách mạng có cuộc sống ổn định.
Hàng năm tỉnh đã vận động đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” với hàng chục tỷ đồng, ngành LĐTB&XH tỉnh cùng các cấp, các ngành thường xuyên làm tốt công tác thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình chính sách… Báo cáo cũng cho biết toàn tỉnh đã có hơn 98% người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của các hộ dân cư ở địa phương.
Trong công tác giải quyết các chế độ người có công, ngành Lao động –TB&XH đã xác lập, thẩm định 4.845 hồ sơ người có công các loại. Thực hiện giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng, đủ các chính sách cho người có công.
* Việc vận động toàn xã hội chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng và các chính sách hỗ trợ người có công những năm qua như thế nào, thưa ông?
- Ông Đặng Hồng Sơn: Thời gian qua, ngành Lao động - TBXH đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể đẩy mạnh việc vận động các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia hưởng ứng phong trào "Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ". Nổi bật là cuộc vận động xây dựng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" và "Phụng dưỡng Bà mẹ VNAH", chăm sóc bố mẹ liệt sĩ neo đơn, đỡ đầu con liệt sĩ mồ côi... Nhờ đó, công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã trở thành việc làm thường xuyên, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 84.000 Người có công với cách mạng đã được công nhận và thực hiện các chế độ. Tỉnh cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị phong tặng, truy tặng cho 305 mẹ Việt Nam anh hùng, nâng tổng số mẹ được Nhà nước phong, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước lên 1.456 mẹ, trong số đó còn sống 234 mẹ. Toàn tỉnh đang quản lí hồ sơ trên 37 ngàn đối tượng hưởng chế độ chính sách.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Kiên Giang đã thực hiện tốt công tác chăm sóc đời sống cho các gia đình chính sách, với các chế độ ưu đãi, đầy đủ, kịp thời. Không chỉ các cơ quan ban ngành tỉnh, ngành Lao động –TBXH cũng đã vận động toàn dân chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng. Không chỉ Nhà nước, tỉnh cũng đã vận động các tổ chức, cá nhân chăm sóc, nhận phụng dưỡng 150 Mẹ Việt Nam Anh hùng, với mức phụng dưỡng thấp nhất 500.000đ/tháng.
Nhân dịp các ngày Lễ, Tết và ngày kỉ niệm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, Sở LĐTB & XH tỉnh Kiên Giang thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, thân nhân liệt sỹ, thương binh nặng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa…
Các phong trào toàn dân chăm sóc nuôi dưỡng thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đã được xã hội hóa. Điều này đã thể hiện tình cảm sâu nặng, trách nhiệm của mọi người dân đối với gia đình chính sách, người có công. Các ngành chức năng đã thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội để vận động đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân và những nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ các gia đình người có công với cách mạng. Nhìn chung, các phong trào đã phát triển sâu rộng thu hút được nhiều người sẵn sàng hăng hái tham gia với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao nhất.
* Hiện nay, việc xây dựng nhà ở cho gia đình người có công, được thực hiện như thế nào?
* Ông Đặng Hồng Sơn: Để nâng cao đời sống đối với gia đình người có công, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách, chế độ theo quy định của Nhà nước, thì công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở được tỉnh xem như là bước đột phá và luôn được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Với nguồn kinh phí huy động của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh, của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, cùng nguồn ngân sách địa phương và Trung ương hỗ trợ, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 4.046 căn nhà, Trong đó, xây mới 2.281 căn, sửa chữa 1.765 căn, với tổng kinh phí 149,350 tỷ đồng. Nguồn của Trung ương 104,350 tỷ đồng, địa phương 45 tỷ đồng. Hiện nay về cơ bản không còn gia đình người có công còn phải ở nhà dột nát, hư hỏng nặng...
Từ những kết quả trên đã giải quyết cho một bộ phận gia đình người công đang gặp khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công trên địa bàn tỉnh.
* Thưa ông, để thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công nhất là sắp tới kỷ niệm tròn 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, ngành Lao động – TBXH đã có những mục tiêu cụ thể nào để tưởng nhớ sự kiện này?
- Ông Đặng Hồng Sơn: Năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, cùng với các cấp, các ngành tỉnh Kiên Giang, ngành Lao động –TBXH sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác người có công. Tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người có công với cách mạng khi có điều chỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách đối với người có công nhằm kịp thời phát hiện những vấn đề chưa phù hợp của chính sách cũng như pháp hiện những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chính sách để có biện pháp tháo gở khó khăn, xử lý những sai phạm kịp thời.
Bên cạnh đó, ngành Lao động –TB&XH cũng triển khai thực hiện chi trả trợ cấp kịp thời và đầy đủ cho đối tượng người có công đang quản lý trên địa bàn tỉnh. Giải quyết kịp thời các chế độ phát sinh cho người có công khi đảm bảo hồ sơ đúng quy định. Triển khai tổ chức tập huấn các văn bản của trung ương về thực hiện chính sách người có công với cách mạng cho đội ngũ làm công tác chính sách ở cấp huyện, xã. Tiếp tục thực hiện chính sách Đền ơn đáp nghĩa, chăm lo tốt hơn đối với gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ, có kế hoạch tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà vào dịp Lễ, Tết…
Đối với ngành Lao động –TB&XH tỉnh Kiên Giang, thực hiện tốt các công tác đối với người có công chính là việc làm thiết thực nhằm tri ân người có công với cách mạng. Làm tốt công tác "Đền ơn, đáp nghĩa" chính là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nhằm phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, góp phần giữ vững, ổn định tình hình chính trị, xã hội và góp phần phát triển kinh tế đất nước ngày càng giàu mạnh.
* Xin cảm ơn ông!