Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kiên Giang: Phân cấp và giao quyền tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại cần có biện pháp khắc phục tháo gỡ.

 

Kiên Giang là tỉnh có dân số đứng thứ hai trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên 1.762.200 người, trong đó có 1.074.485 người đang ở độ tuổi lao động.

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề của tỉnh có chuyển biến tích cực. Đảng bộ và Chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật; dành nhiều ngân sách cho sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp. Nhờ vậy tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng dần qua các năm, hiện tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chung của tỉnh đạt trên 55%, trong đó đào tạo nghề đạt gần 50%.

Mạng lưới dạy nghề trong tỉnh được mở rộng theo hướng huy động tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn vốn, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Hệ thống các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề được thành lập đã tập trung đào tạo cho các vùng kinh tế và đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh. Cùng với việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, bước đầu đã thu hút được các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội ngoài công lập tham gia đào tạo nghề, từng bước đáp ứng yêu cầu xã hội. Công tác đào tạo nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động và từng bước nâng cao nhận thức, thói quen canh tác, tác phong làm việc theo hướng tiếp cận với tác phong công nghiệp. Sau học nghề người dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở Kiên Giang vẫn còn những hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ. Đào tạo cán bộ trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp đại học và số cán bộ khoa học, kỹ thuật giỏi trên một số lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh còn ít. Việc bố trí làm việc không đúng ngành, nghề đào tạo còn khá nhiều (khoảng 15%). Đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo nghề còn chồng chéo, trùng lắp giữa các trường trong tỉnh. Trong khi đó một số trường chỉ tập trung đào tạo, dạy nghề ngắn hạn, chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tỷ lệ sinh viên ra trường chưa có việc làm còn khoảng 30 - 35%. Cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm, trình độ lao động nông thôn thấp, thiếu lao động có tay nghề cao theo nhu cầu của xã hội. Một số chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Sàn giao dịch việc làm với nhiều lao động tham gia. 

Bên cạnh đó hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phân cấp về địa phương thực hiện, nhưng một số địa phương chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Sự phối kết hợp giữa các phòng, ban chuyên môn cấp huyện chưa chặt chẽ; công tác tư vấn, tuyên truyền học nghề chưa kịp thời, thường xuyên đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu đào tạo.

Xuất phát từ đặc điểm tình hình của tỉnh và những mặt còn hạn chế, khó khăn, để đẩy mạnh đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, Kiên Giang đang tiến hành phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở đào tạo có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trong khuôn khổ pháp luật quy định. Qua đó, chủ động đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo bám sát yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của doanh nghiệp.

Thời gian qua, các ngành các cấp đặc biệt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức. Nhờ vậy, giúp người dân nắm bắt thông tin về thị trường lao động, các chính sách khuyến khích người dân và lao động trong độ tuổi tích cực tham gia học tập các cấp trình độ đào tạo để giải quyết việc làm, thu nhập ổn định. Hàng năm Kiên Giang đều giải quyết việc làm cho khoảng 30 ngàn lao động.

Tỉnh cũng đã thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau trung học cơ sở theo tỷ lệ % vào học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở hướng nghiệp và tư vấn cho học sinh cuối cấp về công tác phân luồng, liên thông trong đào tạo, định hướng nghề nghiệp và các cấp đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp. Công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động đang có yêu cầu tuyển dụng lao động, việc làm sau tốt nghiệp... đã được triển khai khá tốt. Đây là cơ sở quan trọng để học sinh lựa chọn cấp học, ngành học phù hợp với khả năng của gia đình và bản thân.

Thời gian tới, Kiên Giang tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách của tỉnh đảm bảo sử dụng tốt nguồn nhân lực hiện có. Đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tăng cường hợp tác, liên kết với các trường đại học lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong nước và quốc tế đào tạo nguồn nhân lực trên một số lĩnh vực có nhu cầu cấp thiết. Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó là việc tổ chức, cơ cấu ngành nghề đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh theo hướng gắn chặt với yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và các ngành gắn liền với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Kiên Giang, nhất là lĩnh vực kinh tế biển, những ngành kinh tế mũi nhọn như nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch.

Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020, giáo dục - đào tạo của tỉnh nói chúng, giáo dục nghề nghiệp nói riêng đạt mức khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trên mức bình quân chung cả nước.