Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kiên Giang: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 - 1,5%/năm

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân xuống còn 1 - 1,5%/năm và tăng hộ khá giàu, nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh.

Một hộ nuôi heo giảm nghèo hiệu quả ở Kiên Giang

Theo thống kê hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2016 - 2020, theo tiêu chí mới, Kiên Giang hiện có 41.202 hộ nghèo, chiếm 9,78% và 13.699 hộ cận nghèo, chiếm 3,25% so hộ dân toàn tỉnh. 

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Kiên Giang đã giải quyết cho hơn 6.000 lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình tổng số tiền trên 110 tỷ đồng; hơn 700 hộ gia đình khó khăn có con em đang là học sinh, sinh viên vay gần 10 tỷ đồng để học hành; tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho hàng chục ngàn người; gần 15 tỷ đồng xây dựng mới và sửa chữa 526 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo cải thiện về nhà ở.

Nhiều tổ chức và cá nhân tổ chức thực hiện công tác từ thiện, nhân đạo xã hội, giúp đỡ hộ nghèo như: khám, điều trị bệnh và cấp thuốc miễn phí; tiếp sức mùa thi, tặng học bổng, tiếp sức học sinh nghèo đến trường; xây dựng nhà ở, tặng bồn chứa nước sinh hoạt…, góp phần giúp hộ nghèo giảm bớt khó khăn. 

Hiện tỉnh đã có một số mô hình sản xuất giảm nghèo bền vững, hiệu quả đang được khuyến khích nhân rộng như: trồng nấm rơm ở xã Ngọc Chúc, trồng rau màu ở 2 xã Bàn Thạch, Thạnh Hòa (Giồng Riềng); trồng rau màu kết hợp nuôi cá, nuôi heo ở thị trấn Sóc Sơn và xã Sơn Kiên (Hòn Đất); nuôi gà thả vườn ở xã Đông Thái, nuôi cua kết hợp trồng lúa ở 2 xã Tây Yên, Nam Thái (An Biên); nuôi cá bống tượng ở xã Vân Khánh Đông (An Minh)… 

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân xuống còn 1 - 1,5%/năm, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước.

Các địa phương phải phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo nhóm, xác định rõ nguyên nhân để hỗ trợ, đầu tư nguồn lực cụ thể, thiết thực và hiệu quả, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó đề ra kế hoạch, chương trình hỗ trợ, giúp đỡ các nhóm đối tượng nghèo về dạy nghề, giải quyết việc làm, vốn sản xuất kinh doanh, phương cách làm kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ nhà ở, cấp đất sản xuất, trợ cấp, bảo trợ xã hội và những vấn đề an sinh xã hội khác. 

Tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, theo hướng nâng cao trình độ nghề, tập trung những nghề phi nông nghiệp, các nghề phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương hoặc theo yêu cầu, đặt hàng của các doanh nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ để tạo ra nhiều việc làm thu hút lao động.