Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kiên quyết đấu tranh phòng, chống mua bán người

Là tỉnh có biên giới trải dài trên cả đất liền và biển nên tình hình tội phạm mua bán người tại Quảng Ninh diễn biến vô cùng phức tạp. Kiên quyết đấu tranh chống đưa người di cư trái phép và mua bán người, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động tích cực và đồng bộ để phòng, chống và bảo vệ nạn nhân bị mua bán, góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch nhằm đấu tranh, phòng, chống mua bán người. Trong đó, tỉnh đảm bảo 100% nạn nhân bị mua bán trở về có hộ khẩu thường trú và tiếp nhận qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều được hỗ trợ kịp thời theo quy định của Nhà nước. Có thể kể đến: Kế hoạch 103/KH-UBND ngày 25/5/2021 về triển khai thực hiện chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030; Kế hoạch 104/KH-UBND ngày 27/5/2021 đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lầm lỗi, chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán, người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 30/9/2022 về phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các địa phương trong tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 9/1/2023 của UBND tỉnh về thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023...

Tích cực tuyên truyền phòng, chống mua bán người

Năm 2023, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tuyên truyền nhằm phòng, chống các tệ nạn xã hội (mại dâm, ma túy, phòng, chống mua bán người).

Phiên tòa giả định về phòng, chống mua bán người tổ chức tại Trường THPT Ngô Quyền (TP Hạ Long) tháng 10.

Phiên tòa giả định về phòng, chống mua bán người tổ chức tại Trường THPT Ngô Quyền (TP Hạ Long) tháng 10.

Riêng đối với ngành LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông kịp thời đưa tin, viết bài về lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội; xây dựng, biên soạn tài liệu tuyên truyền phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy, sổ tay hỏi đáp chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân. Trong 9 tháng đầu năm 2023, đã đăng tải 118 tin, bài, ảnh tuyên truyền về phòng, chống, cai nghiện ma túy, mại dâm, mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tinchính thống.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tổ chức 5 hội nghị tập huấn cho 475 cán bộ chiến sỹ, người có uy tín ở cộng đồng về kỹ năng tuyên truyền phòng ngừa nguy cơ bị mua bán và tư vấn chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người tại các xã biên giới thuộc địa bàn TP Móng Cái.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Yên, Đầm Hà tổ chức hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực cho 750 người đại diện trưởng thôn, bản, khu phố, đội ngũ cộng tác viên và người có uy tín tại cộng đồng về kỹ năng trợ giúp, kết nối cho nạn nhân bị mua bán người sử dụng dịch vụ hỗ trợ của Ngôi nhà Ánh Dương (nơi hỗ trợ những phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực gia đình, bị mua bán).

Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đã phối hợp với Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thường xuyên rà soát số liệu nạn nhân bị mua bán làm căn cứ thực hiện tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ cho các nạn nhân qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong 9 tháng đầu năm đã tiếp nhận và hỗ trợ 8 nạn nhân, trong đó: Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tiếp nhận, hỗ trợ 4 nạn nhân; Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tiếp nhận, hỗ trợ 2 nạn nhân; Phòng LĐ-TB&XH TP Móng Cái tiếp nhận, hỗ trợ 2 nạn nhân.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh duy trì Tổng đài tư vấn miễn phí 18001769, trực 24/24 để tiếp nhận tất cả các trường hợp cần tư vấn, đặc biệt là các trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp như: nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, thông tin về nạn nhân bị mua bán. Sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp và các nạn nhân bị mua bán. Cung cấp miễn phí thức ăn, nước uống, quần áo và các dụng cụ thiết yếu khác cho các nạn nhân bị mua bán và các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp khác khi được Trung tâm phát hiện và tiếp nhận. Cung cấp và phối hợp với các ban ngành, chính quyền và các tổ chức, cá nhân khác để cung cấp các dịch vụ công tác xã hội khác cho nạn nhân như tư vấn tâm lý, kết nối nguồn lực, tìm kiếm địa chỉ, quê quán… cho nạn nhân bị mua bán. Hỗ trợ cung cấp các dịch vụ về y tế, việc làm và các nhu cầu thiết yếu khác để trợ giúp nạn nhân bị mua bán sớm ổn định lạicuộc sống.

Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh đang nuôi dưỡng, chăm sóc 3 trẻ em (1 nữ, 2 nam) dưới 16 tuổi bị mua bán. Các cháu được chăm sóc, nuôi dưỡng, được học tập, phát triển khả năng của bản thân và tham gia các hoạt động trong Cơ sở cũng như ở trường nơi đang theo học.

Một tiết mục văn nghệ tại buổi truyền thông cộng đồng hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” tại 5 phường thí điểm mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” thuộc TP Hạ Long.

Một tiết mục văn nghệ tại buổi truyền thông cộng đồng hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” tại 5 phường thí điểm mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” thuộc TP Hạ Long.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh tiếp tục duy trì hoạt động mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” tại 5 phường của TP Hạ Long trên cơ sở tích hợp hiệu quả của dự án, làm cơ sở nhân rộng tại một số địa phương khác trong thời gian tới (Ngày 3/2/2023, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-LĐTBXH về triển khai hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân của mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” tại 5 phường thuộc TP. Hạ Long năm 2023).

Qua những chính sách và hành động thiết thực nêu trên, có thể thấy, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đã rất quan tâm, tham mưu chủ động, kịp thời cho UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch về phòng, chống mua bán người; đồng thời có văn chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai nhiệm vụ; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống tệ nạn xã hội (trong đó có phòng, chống mua bán người); duy trì các mô hình phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện tốt các chính sách và đảm bảo an sinh xã hội lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.