Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một phần của châu thổ sông Mekong (Mekong Delta), từ lâu được xem là vựa lúa và vựa cá lớn nhất Việt Nam. Được thiên nhiên ưu ái ban tặng trung bình mỗi năm khoảng 475 tỷ m3 nước ngọt và hàng trăm triệu tấn phù sa chảy qua, khu vực có tổng diện tích hơn 40.500 km2 này đang hàng ngày cung cấp sinh kế cho khoảng 18 triệu người.
Tác động của biến đổi khí hậu mà cụ thể là đợt hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL đầu năm 2016 cho thấy khu vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính sống còn, đe dọa sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người dân nơi đây. Vấn đề phát triển bền vững khu vực ĐBSCL đang tồn tại không ít những bất cập.
Với diện tích 39.734 km², ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiều nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hường
Mục tiêu phát triển bền vững cho khu vực ĐBSCL hiện đang được Chính phủ xem như ưu tiên hàng đầu, phản ánh qua các hành động thực tiễn mà cụ thể là Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn tới năm 2100, sẽ diễn ra trong hai ngày 26-27/9 tại Cần Thơ, chủ trì trực tiếp của TT Nguyễn Xuân Phúc.
Định hướng phát triển vùng
Do tính đặc thù của khu vực ĐBSCL, là một phần của lưu vực hạ lưu sông sông Mekong, và lại nằm phía cuối nguồn, việc đưa ra bất kỳ quy hoạch nào cho phát triển kinh tế – xã hội của vùng đều phải được đặt trong không gian phát triển tổng thể của cả lưu vực sông.
Trên nguyên tắc, tương lai phát triển của khu vực ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào những gì mà các nước láng giềng và kể cả Việt Nam đang và sẽ can thiệp vào dòng Mekong ở trên thượng lưu. Trong bối cảnh các nước vùng thượng lưu sông Mekong mà đặc biệt là Trung Quốc, Lào và kể cả Campuchia đã và đang xây dựng nhiều hơn các con đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, việc định hướng phát triển của ĐBSCL cần được xem xét một cách thấu đáo thông qua việc xây dựng các kịch bản phát triển lưu vực khác nhau. Đơn giản hơn, các nhà hoạch định chính sách cần dựa vào các tiêu chí sau để có thể định hướng cho sự phát triển cho ĐBSCL:
Thứ nhất là các can thiệp ngắn hạn (15 năm), trung hạn (đến 30 năm) và dài hạn (đến 50 năm) mà các nước có thể làm đối với sông Mekong trên khu vực thượng lưu. Các can thiệp mà Việt Nam cần quan tâm nhất đó là số lượng các con đập thủy điện sẽ được xây thêm trên dòng chính và các công trình sử dụng nước cũng như chuyển nước quy mô lớn theo cùng các mốc thời gian trên thượng lưu.
Thứ hai là những thay đổi mang tính định lượng sẽ xảy ra tại ĐBSCL tương ứng với từng kịch bản phát triển về (a) thay đổi chế độ thủy văn (lưu lượng và phân bố), (b) thay đổi địa mạo, (c) thay đổi về chất lượng nước, (d) thay đổi về số lượng và chất lượng của phù sa, bùn cát, và (e) thay đổi liên quan đến năng suất sinh học sơ cấp và nguồn lợi thủy sản, v,v. Những thay đổi này cần được đặt trong mối tương quan với các tác động do biến đổi khí hậu mà cụ thể là nhiệt độ tăng và mực nước biển dâng, vốn rất nhạy cảm cho khu vực này do tính đặc thù về địa hình (thấp) và hệ thống kênh rạch chằng chịt.
Thứ ba là nhu cầu sử dụng nước và các tài nguyên liên quan nhằm đáp ứng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương trong từng giai đoạn, cũng cần được tính toán một cách phù hợp trong định hướng phát triển của khu vực. Các nhu cầu về năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác cho từng lĩnh vực (a) nông nghiệp, (b) nuôi trồng thủy sản, (c) công nghiệp, (d) du lịch, và (e) dân sinh được xem là những số liệu đầu vào quan trọng.
Lúa nước là sản phẩm chủ đạo của ĐBSCL Ảnh: Hoàng Hường
Đâu là giải pháp?
Các giải pháp cụ thể cho quy hoạch và phát triển toàn vùng cũng như từng địa phương có thể được đưa ra thông qua phân tích kịch bản phát triển, và thứ tự ưu tiên căn cứ vào thực trạng và khả năng huy động nguồn lực của địa phương và trung ương. Hiện trạng phát triển cùng các thách thức ĐBSCL đang đối mặt cộng với kinh nghiệm từ các nước phát triển, đặc biệt là Hà Lan, có thể tham khảo vài gợi ý sau đây:
Giải pháp quy hoạch: xây dựng được một bản quy hoạch tổng thể toàn vùng ĐBSCL dựa trên kịch bản phát triển được thống nhất lựa chọn. Nguyên tắc là đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan trên nền tảng phân tích không gian đa chỉ tiêu (SMCA). Bản quy hoạch này có thể giúp các nhà hoạch định chính sách có một cái nhìn rõ hơn về không gian (lĩnh vực gì, ở đâu, kết nối thế nào) và thời gian (khi nào, bao lâu, và lộ trình thực hiện).
Giải pháp phòng chống: bảo vệ tối đa cuộc sống và tài sản của người dân trước thiên tai (chủ yếu là lũ, lụt) và tác đông của biến đổi khí hậu thông qua việc cải tạo, tăng cường, và làm mới hệ thống đê biển, đê bao, bờ bao (có phân cấp) cho các đô thị và nơi tập trung dân cư; nâng cao khả năng tiêu thoát và điều tiết lũ cũng như kiểm soát tối đa xâm nhập mặn cho từng hệ thống sông, cửa sông nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro tiềm tàng. Xem xét thử nghiệm hệ thống đê ao (pond dyke) nhằm trữ nước trong mùa khô và bảo vệ trong mùa lũ cho các khu vực được quy hoạch cho nuôi trồng thủy sản.
Giải pháp thích ứng: áp dụng phương châm “sống chung với lũ” hay “cho nước lũ tràn đồng” tại một số vùng sản xuất nông nghiệp, các khu bảo tồn và rừng ngập mặn nhằm tận dụng tối đa nguồn phù sa và dinh dưỡng từ tự nhiên phục vụ thau chua, rửa mặn, bổ sung độ màu mỡ cho đất và nâng cao khả năng phòng hộ của hệ sinh thái ven biển. Ngoài ra cần nâng cao năng lực và quy trình vận hành hồ chứa trên thượng lưu (Tây Nguyên) và ao đầm ở hạ lưu phục vụ chống hạn khi cần.
Hy vọng rằng bằng quyết tâm cùng hành động của một chinh phủ liêm chính và kiến tạo, cùng sự vào cuộc của các bên liên quan, tầm nhìn thế kỷ cho ĐBSCL sẽ sớm đưa ra một mô hình cho phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người và văn hóa trên cơ sở kết hợp khoa học công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa, biến thách thức thành cơ hội, vì tương lai tốt đẹp hơn cho người dân nơi đây.