Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kiều nữ Pa Cô băng rừng sưu tầm văn hóa dân gian

Trước những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) có nguy cơ bị thất truyền và rơi vào quên lãng. Hơn 25 năm qua, cô gái dân tộc Pa-Cô một mình băng rừng, đến các bản làng sưu tầm, nghiên cứu dân ca, điệu múa cổ của các DTTS. Trong những chuyến băng rừng ấy đã có hàng trăm đứa trẻ con em dân tộc nghèo được cô cho tiền để tiếp tục hành trình đến trường.

 

Quên hạnh phúc riêng để giữ văn hóa truyền thống

A Dưa Tư (còn gọi là Hồ Thị Tư, ở thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế) chuyên viên Phòng Văn hóa- Thông tin huyện A Lưới sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố  Tư là bộ đội Trường Sơn,còn mẹ là thanh niên xung phong, vừa tham gia cách mạng vừa biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội và bà con dân bản. Được thừa hưởng dòng máu nghệ thuật từ người mẹ, nên từ nhỏ Tư đã có năng khiếu và đam múa hát. Khi học tiểu học, Tư đã là cây văn nghệ xuất sắc trong lớp và trong trường, được thầy cô, bạn bè yêu mến. Ở bản làng, Tư là trung tâm chú ý của bà con. Mỗi lần mẹ cùng các cô chú trong bản đi biểu diễn văn nghệ ở nhà cộng đồng, Tư luôn xin mẹ đi xem, để học tập, thu lượm về kiến thức âm nhạc qua mẹ và các cô chú trong bản múa hát.

Ngoài giờ học tập, Tư luôn bảo mẹ và dì truyền dạy cho cách múa hát. Nhờ siêng năng và tố chất về văn nghệ  nên Tư tiếp thu rất nhanh các điệu dân ca (hát), dân vũ (múa). Có những ngày, vì mãi say mê múa hát mà Tư quên luôn cả ăn uống. Thấy con đam mê ca hát nhiều lúc cha mẹ Tư phải “quản lý” chặt để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe.

 

Khi bước sang tuổi 15 tuổi, giọng hay kết hợp với động tác múa điêu luyện, A Dưa Tư đã chinh phục được tất cả những ai yêu mến vũ khúc của người Cơ-tu, Tà-ôi, Pa-cô, Pa-hy, Bru-Vân Kiều, nên Tư được chọn vào đội truyền thông lưu động huyện A Lưới để đi đến các bản làng xa xôi múa hát cho bà con nghe. Trong các cuộc thi, liên hoan văn hóa nghệ thuật DTTS ở khu vực bắc miền Trung-Tây Nguyên, Tư luôn đạt các huy chương và các giải thưởng lớn. Một số người nói rằng, vào các dịp lễ hội ở A Lưới nếu thiếu đi giọng hát và điệu múa của Tư thì xem như lễ hội đó chưa được hay, chưa hoàn chỉnh.

      25 năm băng rừng sưu tầm văn hóa

             Ròng rã suốt 25 năm qua, A Dưa Tư luôn rong ruổi khắp các bản làng ở A Lưới để sưu tầm, phục dựng gần 50 điệu múa cổ của các đồng bào DTTS. Chị tâm sự: “Một mình đi đến các bản làng xa xôi như vậy, mọi người ai cũng nghi ngờ vì mình cứ hỏi rồi chép rất tỉ mỉ những điều họ nói, cứ như gián điệp. Nhưng khi nghe mình giải thích và được sự giúp đỡ của cán bộ văn hóa, các già làng, trưởng bản thông qua, mọi người đều nhận ra được cái hay, cái tốt mà mình làm nên ai cũng nhiệt tình giúp đỡ”.

 

     Trong các chuyến đi sưu tầm văn hóa dân gian, A Dưa Tư vẫn nhớ mãi chuyến đi đến làng người Pa-Cô, Tư dự đinh sẽ xuyên rừng suốt một tháng. Số tiền cô mang theo từ việc bán mấy chiếc vòng cổ là của hồi môn dự kiến sẽ đủ chi tiêu. Thế nhưng khi đến những bản làng người Pa- Cô thấy những em học sinh quá khó khăn, không có áo lành để mặc, không có sách mới đến trường, Tư đã dùng tất cả số tiền có được ủng hộ các em mua quần áo, sách vở.