Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kinh doanh trì trệ, nhưng mỗi tháng tổ chức 5 đoàn đi nước ngoài

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, mặc dù hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, nhưng trong 3 năm (2010-2013) ngành Đường sắt đã tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài.

 

Bốn nhóm sai phạm lớn tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Sau hơn 2 năm thanh tra (19/9/2014), Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận số 2222/KL - TTCP ngày 26/8/2016, về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Ảnh: Thanh Hà.

Bản Kết luận gồm 36 trang có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra 4 nhóm sai phạm lớn, tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Thứ nhất, Thanh tra Chính phủ khẳng định, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí, kém hiệu quả, trong đó có 3 dự án mua sắm máy móc thiết bị với tổng giá trị 408 tỷ đồng (giai đoạn 2003 – 2009).

Thứ hai, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phê duyệt giá không đúng thẩm quyền, sai căn cứ, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí ngân sách, đặc biệt là Dự án mua ray bảo trì, sửa chữa đường sắt bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Áo với giá cao bất thường so với giá ray có tính năng tương tự cùng thời điểm.

Thứ ba, góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu trái quy định.

Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện thủ tục góp vốn của Tổng công ty trái với Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ, trái với quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012 – 2015.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích Nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản có giá trị lớn không qua đấu giá, đầu thầu.

Liên quan đến nội dung này, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Bộ GTVT, Bộ TN&MT, UBND TP Hà Nội rà soát lập phương án sử dụng đất tại hai địa chỉ nêu trên đảm bảo có hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Khu đất vàng 80 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh.

Thứ tư, buông lỏng và vi phạm quy định quản lý vốn, tài sản dẫn đến lãng phí tiền vốn, cơ sở vật chất, đất đai được giao; hoạt động kinh doanh trì trệ, kém hiệu quả; một số nội dung về quản lý tài chính, tài sản còn để xảy ra khuyết điểm, vi phạm.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ GTVT kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi pham nêu trong kết luận thanh tra; trong đó lưu ý các nội dung về quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị; Gói thầu EP Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt; góp vốn kinh doanh ngoài ngành, bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu… gây lãng phí, kém hiệu quả.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét để xử lý các khoản tiền có tính sai phạm theo kết luận thanh tra với tổng số tiền 131 tỷ đồng phù hợp thực tế có tính khả thi.

Thay 6 nhịp giàn thép mới của cầu Trà Bồng, trong gói thầu CP3A thuộc Dự án Nâng cao An toàn các cầu đường sắt. Ảnh: Trần Việt.

Giai đoạn 2010-2013, trung bình mỗi tháng tổ chức 5 đoàn đi nước ngoài

Cũng theo bản kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2010 tới tháng 12/2013, Đường sắt Việt Nam đã tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài, với tổng số tiền lên đến gần 14 tỷ đồng, trong đó có 23 đoàn đi nước ngoài không có văn bản mời, hay hợp đồng học tập với đối tác (tổng số tiền gần 2 tỷ đồng).

Kiểm tra hồ sơ 5 đoàn đi nước ngoài (năm 2012 và 2013), cả 5 đoàn đi đều hợp đồng đi qua các công ty du lịch trong nước (theo tours), với nội dung đi nước ngoài tham quan, học tập, tổng số tiền thanh toán trên 1,7 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cho rằng các khoản chi phí đi học tập nước ngoài của Đường sắt Việt Nam nêu trên là sai quy định của Bộ Tài chính, sai chế độ tài chính về quản lý chi phí.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đã biết được kết luận và đang chỉ đạo các đơn vị của Bộ xem xét và có hướng giải quyết.

Còn theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty đã nhận được kết luận thanh tra, đơn vị sẽ triển khai theo các kiến nghị mà Thanh tra chỉ ra.