Hình ảnh vi khuẩn B. Pseidomallei gây tổn thương ở người.
Suýt chết vì không tìm ra bệnh
Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai đang cấp cứu cho nam thanh niên 25 tuổi bị bệnh whitmore, một bệnh truyền nhiễm cấp tính nhưng lại bị lãng quên.
Thanh niên này bị viêm cầu thận mãn và trước khi vào viện, bệnh nhân sốt cao nhiều ngày không đỡ. Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện Thanh Hoá điều trị, nhưng cơn sốt không cắt, chân bị sưng to. Bệnh nhân được chuyển vào khoa Cơ – Xương – Khớp điều trị, bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, tình hình bệnh vẫn không khả thi, phổi xuất hiện các tổn thương, áp xe, tổn thương cả ở gan, thận…
Bác sĩ đã sử dụng các loại kháng sinh bao vây và tiến hành cấy máu nhưng không cho kết quả. Sau khi bệnh nhân nặng hơn, có dấu hiệu sốc nhiễm khuẩn nên được đưa đến khoa truyền nhiễm cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân được cấy máu tới 3 lần mới cho kết quả bệnh Whitmore.
Dù chẩn đoán ra bệnh nhưng tình hình bệnh nhân vẫn nguy kịch. Sau hơn 10 ngày điều trị tại khoa, bệnh nhân tiếp tục có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn kèm theo suy đa phủ tạng nặng. Bác sĩ phải đặt ống nội khí quản, xử trí sốc nhiễm khuẩn đồng thời dùng kháng sinh đặc trị bằng kháng sinh mạnh liều cao nhóm carbapenem kết hợp với ceftazidim. Hiện chức năng thận và gan đã được cải thiện, bệnh nhân vẫn còn tổn thương phổi nặng phải thở máy và dùng các thuốc vận mạch.
Trước đó, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cũng từng cấp cứu cho một bệnh nhân nam bị tiểu đường tuyp 2. Sau khi đi du lịch về được mấy ngày thì bệnh nhân sốt. Điều trị không dứt cơn sốt và có dấu hiệu rét run, mệt mỏi, đau đầu. Các bác sĩ làm xét nghiệm thấy có dấu hiệu nhiễm khuẩn vì bạch cầu máu ngoại vi tăng cao.
Bệnh nhân được điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm Rocephin, Ciprobay. Kết quả cấy máu được trả sau 5 ngày thấy dương tính với Burkholderia Pseudomallei, đồng thời diễn biến bệnh không thuận lợi có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn và suy hô hấp. Nhận định bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn do B. pseudomallei. Bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do whitmore.
bác sĩ Cường thăm khám cho bệnh nhân whitmore. Ảnh Mai Thanh
Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, thay đổi phác đồ điều trị liên tục nhưng các lần cấy máu đều dương tính với vi khuẩn gây bệnh whitmore. Bệnh nhân không xuất hiện ổ áp xe nhưng lại không kiểm soát được thân nhiệt vì thường xuyên sốt cao, suy hô hấp. sốc nhiễm khuẩn và bệnh nhân đã tử vong.
Whitmore là gì?
TS.BS Đỗ Duy Cường, Phụ trách khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn B. pseudomallei gây nên.
Điều đặc biệt bệnh nguy hiểm nhưng lưu hành lẻ tẻ nên ngay cả các bác sĩ đôi khi cũng khó chẩn đoán được bệnh. Whitmore là bệnh nguy hiểm nhưng theo TS Cường nó đang bị “bỏ quên”.
Bệnh whitmore gặp ở mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh đến người già, người khỏe mạnh cho đến người có hệ miễn dịch yếu. Bệnh lại không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và thường bị chẩn đoán lâm sàng nhầm sang các bệnh khác. Người có nguy cơ nhiễm Whitmore nhiều nhất là nông dân nghèo, có tiền sử đái tháo đường, người nghiện rượu, người có bệnh mãn tính về phổi và thận.
Người bệnh mắc phải bệnh whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei. Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh whitmore rất đa dạng. Mỗi thể bệnh có các triệu chứng lâm sàng khác nhau và do vậy có thể bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh Lao và các bệnh lý viêm phổi thông thường.
Tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 về bênh whitmore tổ chức tại Phillipine gần đây, đánh giá bệnh whitmore đã lưu hành ở 80 quốc gia và Việt Nam được đánh giá là nước nằm trong khu vực dịch tễ lưu hành cao của bệnh với ước tính hàng năm có hàng chục ngàn trường hợp mắc và hàng ngàn ca tử vong. Hiện bệnh vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa.