Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay họp để cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, những tháng đầu năm 2020.
Tại phiên họp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2019 có 7 chỉ tiêu vượt và 5 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Đó là, tốc độ tăng GDP đạt 7,02% (số đã báo cáo khoảng 6,8%) và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,4% (số đã báo cáo khoảng 7,9%).
Theo Bộ trưởng, năm 2020, tác động cộng hưởng từ suy giảm kinh tế thế giới cuối năm 2019 và đại dịch Covid -19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái.
Trong nước, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được không chế, chưa có trường hợp tử vong nhưng nền kinh tế bị ảnh hưởng hết sức nặng nề, tăng trưởng GDP quý 1 đạt thấp.
“Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng”, Bộ trưởng KH-ĐT nói.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập đến đại dịch Covid-19 và căng thẳng trên Biển Đông gia tăng dẫn đến xu hướng cạnh tranh mạnh hơn trong khu vực.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cần đánh giá về tình hình và các giải pháp bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông và bảo đảm nguồn nước sông Mekong.
Thảo luận sau đó, Trưởng ban Công tác đại biểu QH Trần Văn Túy nêu thực tế, thời gian gần đây, Trung Quốc mạnh tay hơn, kiểu hành xử áp đặt rõ ràng hơn trên Biển Đông, đặc biệt là lập đơn vị hành chính, quân sự hóa biển đảo.
Từ đó, ông Túy đề nghị cần có kịch bản ứng phó nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
2 kịnh bản tăng trưởng, điều chỉnh nhiều chỉ tiêu
Về tình hình trong thời gian tới, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết, Chính phủ đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1, Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý 3 thì dự kiến GDP tăng khoảng 4,4 - 5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6 - 2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra là 6,8%).
Kịch bản 2, Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý 4 thì GDP dự kiến tăng khoảng 3,6 - 4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4 - 3,2 điểm phần trăm).
Theo ông Dũng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Theo đó, dự kiến điều chỉnh GDP tăng khoảng 4,5%, nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn. Trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%.
Cùng với đó, điều chỉnh tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ủy viên Thường vụ QH có ý kiến về việc xin điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Vì chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm nay trong Nghị quyết của QH là cụ thể hóa nghị quyết của TƯ.
Phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền
"Nghị quyết TƯ vừa rồi nói phấn đấu, nỗ lực để đạt mức cao nhất chứ chưa "bật đèn xanh" cho chúng ta điều chỉnh", Chủ tịch QH cho hay.
Vì vậy, nếu muốn điều chỉnh phải làm quy trình, xin cấp có thẩm quyền, phải xin TƯ. Mặt khác, sắp họp QH nhưng hiện Chính phủ chưa báo cáo, chưa thẩm định chưa có cơ sở để xem xét.
Theo Chủ tịch QH, kịch bản Chính phủ đưa ra cũng khá lạc quan, vì phòng chống dịch bệnh của ta rất tốt.
"Mặc dù chúng ta chống dịch tốt nhưng các đối tác thương mại lớn của chúng ta còn đang lao đao. Thế chúng ta mua bán với ai, xuất khẩu, nhập khẩu với ai? du lịch chưa cho người vào đây", bà Ngân đặt vấn đề.
Chủ tịch QH lưu ý, trong lúc chưa điều chỉnh các chỉ tiêu phải chú ý trong điều hành dự toán chi, thu, cố gắng nỗ lực hết sức.
"Ở đây không phải không đồng ý với Chính phủ điều chỉnh các chỉ tiêu mà chúng ta chưa có cơ sở để đánh giá như thế nào. Cho nên, bây giờ nỗ lực cao nhất để hạn chế việc sụt giảm. Tăng trưởng chắc chắn không đạt được rồi", bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ tịch QH nhấn mạnh, cái gì từ nguy thành cơ được phải tận dụng.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng cảnh báo Việt Nam dập dịch trong nước tốt nhưng tình hình nước ngoài vẫn phức tạp, chưa cải thiện.
"Với quy mô kinh tế mở của Việt Nam hiện nay thì sẽ rất khó khăn. Lúc này, kịch bản đưa ra phải thế nào? Các giải pháp về kinh tế, tín dụng, ngân sách, thuế… đã thực tế chưa? Hai kịch bản tăng trưởng Chính phủ đưa ra hôm nay đã đủ chưa, hay cần thêm kịch bản dự báo cho tình huống xấu hơn nữa?", ông Hiển đặt vấn đề.
Theo Phó Chủ tịch QH điều chỉnh chỉ tiêu năm 2020 là cần thiết nhưng Chính phủ phải có tờ trình gửi QH, cấp có thẩm quyền lý giải tại sao điều chỉnh GDP từ 6,8% xuống 4,3%; rồi các chỉ số bội chi, nợ công sẽ thế nào. Trên cơ sở này các UB của QH sẽ thẩm tra cụ thể.
Theo Thu Hằng/vietnamnet.vn