Tổng thống Barack Obama. Ảnh: REUTERS
Thất nghiệp
Tổng thống Obama nhậm chức vào ngày 20/1/2009, giữa cuộc đại suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp khi đó tăng vọt vì giới doanh nghiệp sa thải hàng loạt nhân viên. Tháng 10/2009, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đạt 10,3% - mức cao nhất trong 26 năm.
Cuối nhiệm kỳ của ông Obama, các doanh nghiệp đang thuê tuyển trở lại và tỷ lệ thất nghiệp là 4,7%, thể hiện nền kinh tế có sức khỏe tốt. Dù vậy, mức độ tham gia của lực lượng lao động đang ở mức thấp nhất từ cuối thập niên 1970. Lý do chính là vì những công dân sinh vào thời Baby Boomers (những người sinh ra trong những năm 1946 - 1964) đang về hưu và nhiều người ngừng kiếm việc làm vì chẳng tìm được gì.
Tăng trưởng việc làm
Nhìn chung Tổng thống Obama lèo lái nước Mỹ đi qua 75 tháng việc làm tăng trưởng. Đây là kỷ lục và là khoảng thời gian đáng ghi nhận, vì khi ông nhậm chức Mỹ đang mất khoảng 800.000 việc làm mỗi tháng. Quốc hội và Tổng thống Mỹ thông qua nhiều biện pháp kích thích kinh tế, giảm thuế để kích thích doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng áp dụng các biện pháp can thiệp bất thường để hỗ trợ kinh tế.
Tình hình tuyển dụng đi lên từ từ. Đến tháng 5.2014, Mỹ lấy lại được 8,7 triệu việc làm từng biến mất giữa giai đoạn suy thoái. Tuyển dụng tăng vọt từ thời điểm trên. 2014 và 2015 là hai năm tăng trưởng việc làm cao nhất tại Mỹ kể từ năm 1999.
Tăng trưởng GDP
Một trong những điểm nền kinh tế thời Obama bị chỉ trích nhiều nhất là mức tăng trưởng chậm chạp. Trước đây, Mỹ từng tăng trưởng trung bình 3% hay hơn mỗi năm. Đại suy thoái là sự kiện tác động mạnh vào nền kinh tế. Từ lúc đó, nước này chật vật để tăng trưởng vượt lên trên 2%/năm.
Trung bình thu nhập hộ gia đình Mỹ qua các năm từ 2007 đến 2015 CNN
Thu nhập hộ gia đình
Người Mỹ tiếp tục lo lắng về túi tiền của họ. Gần ba trong số năm người được hỏi nói rằng họ “thường xuyên” hay “thỉnh thoảng” lo lắng về tình hình tài chính. Phần lớn mối lo ngại xuất phát từ thực tế là thu nhập không tăng lên nhiều. Bình quân thu nhập hộ gia đình Mỹ hiện là 56.516 USD/năm, thấp hơn so với thời trước suy thoái.
Thị trường chứng khoán
Ngày 3/3/2009, Tổng thống Obama cho biết cổ phiếu trông có vẻ như một món tài sản tốt để mua. Chưa đầy một tuần sau đó, vào ngày 9/3, thị trường chạm mức đáy kể từ khủng hoảng tài chính. Dù vậy, chứng khoán Mỹ sau đó chứng kiến xu hướng đi lên trong gần 8 năm. Chỉ số S&P 500 đến nay tăng hơn 200%. Ông Barack Obama đang dần trở thành một trong những vị tổng thống làm tốt nhất cho thị trường chứng khoán Mỹ trong lịch sử hiện đại.
Ngành sản xuất
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump từng vận động tranh cử bằng lời hứa ông sẽ khiến ngành sản xuất Mỹ tuyệt vời trở lại. Thực ra, dưới thời Tổng thống Obama, ngành sản xuất Mỹ bùng nổ. Ngành này đang ở mức cao mới khi công nghiệp ô tô phục hồi và sự bùng nổ dầu đá phiến giúp Mỹ có cách mạng năng lượng.
Song việc làm lao động chân tay không khởi sắc như sản lượng ngành sản xuất. Ngành sản xuất Mỹ giảm khoảng 100.000 việc làm kể từ khi ông Obama bước vào Nhà Trắng. Robot đang đảm nhận một số công việc mà con người từng làm.
Giá nhà ở Mỹ trước và trong thời ông Obama điều hành đất nướcCNN
Giá nhà
Khủng hoảng tài chính khởi nguồn một phần vì quá nhiều nhà được bán cho những người không có đủ khả năng chi trả. Kết quả là ngành bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại suy thoái, thậm chí những người có đủ khả năng mua nhà cũng chật vật trong chuyện thế chấp. Theo National Association of Realtors, giá nhà trung bình ở Mỹ hiện là 232.000 USD/căn. Đây là mức tốt hơn so với trước suy thoái.
Giá xăng
Giá xăng biến động mạnh trong nhiệm kỳ của ông Obama. Giá trung bình của mỗi gallon xăng loại thường từng lên đến 4 USD năm 2011. Từ cuối năm 2014, giá xăng ở Mỹ vô cùng rẻ. Giá trung bình thời điểm ông Obama chuẩn bị rời nhiệm sở là 2,4 USD/gallon. Người Mỹ đang tiết kiệm hàng trăm USD khi đi đổ xăng.
Nợ chính phủ Mỹ
Quốc hội Mỹ và Tổng thống Obama dành rất nhiều tiền để kích thích nền kinh tế trong và sau cuộc đại suy thoái. Tổng số nợ của Mỹ hiện hơn 19.000 tỉ USD, tăng từ khoảng 10.000 tỉ USD khi ông Obama nhậm chức.
Dù tổng thống giảm được thâm hụt ngân sách hằng năm trong suốt nhiệm kỳ, nước Mỹ vẫn đang chi nhiều hơn thu. Nhiều chuyên gia kinh tế đang theo dõi tỷ lệ nợ trên GDP vì chỉ số này tăng mạnh dưới thời Tổng thống Obama. Khi ông nhậm chức, số liệu vào khoảng 50% còn giờ đây nó là 77%.