Quang cảnh tọa đàm
Bản báo cáo của VEPR phân tích, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản đồng thời gợi mở khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017, động thái này không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của đồng USD. Trong khi đó, đồng Việt Nam hiện vẫn đang được neo giữ với USD sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại.
Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm tới.
Ngoài ra, cũng theo VERP, Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp giữ giá trị đồng Việt và giữ tiền trong hệ thống ngân hàng, khi đồng USD tăng giá.
Đáng lưu ý, thị trường ngoại hối ổn định sau một năm áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, mặc dù thị trường thế giới có những diễn biến phức tạp và xuất hiện một số tin đồn bất lợi. Dự trữ ngoại hối trong năm 2016 tiếp tục tăng, ước đạt 41 tỷ USD vào cuối năm. Điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 được đánh giá là “linh hoạt và chặt chẽ”.
Tuy nhiên, một số nhược điểm cũng đã được các chuyên gia của VEPR chỉ rõ. Đó là việc thâm hụt ngân sách ước khoảng 5,64% GDP, thấp hơn các năm trước nhưng vẫn vượt xa chỉ tiêu khống chế của Quốc hội. Triển vọng của thị trường bất động sản được coi là “vẫn mong manh do sự bất định về lãi suất trong tương lai”, mặc dù đã ấm dần lên so với nửa đầu năm.
Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng nhận định, điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2017 được kỳ vọng là hoạt động của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp chế biến chế tạo.
Doanh nghiệp đang có điều kiện phát triển thuận lợi khi Chính phủ mới bộc lộ rõ mối quan tâm trong cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh.
Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ trong năm 2016 được kỳ vọng là sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết cũng như hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.