Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Kinh tế Việt Nam: Bức tranh sáng trong đại dịch

Năm 2020 kết thúc với bao khó khăn của nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung khi đại dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện, hoành hành, làm đảo lộn mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, con người. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới với mức tăng trưởng dương. Bước sang năm 2021, nhiều chuyên gia dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau đại dịch.

Kinh tế Việt Nam trụ vững trong đại dịch

Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho thấy, trong năm 2020 dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Thế nhưng tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020 cho thấy những tín hiệu lạc quan, thể hiện quyết tâm và nỗ lực tăng tốc để về đích của tất cả ngành, lĩnh vực kinh tế từ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất công nghiệp đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài...

Kinh tế Việt Nam: Bức tranh sáng trong đại dịch - Ảnh 1.

Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới với mức tăng trưởng dương.

Trước tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi đã tạo thêm động lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển hoạt động trong trạng thái bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 11/2020 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng cao 11,9% so với cùng kỳ 2019. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 11 tháng năm 2020 ước tính tăng 3,1% so với cùng kỳ 2019.

Một điểm sáng khác đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới tháng 11/2020 tăng 7,3% so với tháng 10 và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 tăng 72% so với tháng 10 và tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, cả nước có gần 124,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tăng 21,7%.

Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình với mục tiêu thực hiện tối đa kế hoạch vốn được giao trong năm 2020. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11 ước tính đạt 10,6% so với kế hoạch năm 2020. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11 và 11 tháng năm 2020 tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020.

Việc đẩy lùi được dịch bệnh cũng giúp Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài, điểm đến tiềm năng, an toàn cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư trên thế giới, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn trên thế giới. Nhờ vậy, tính đến 20/11/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 26,43 tỷ USD.

Mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% và nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Khơi thông nguồn vốn đầu tư tạo động lực tăng trưởng

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2021 theo Nghị quyết của Quốc hội, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Năm 2021, kinh tế Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo diễn biến khó lường, xu hướng bảo hộ, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra gay gắt. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, do đó những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới có khả năng kéo dài sang năm 2021 và các năm tiếp theo, nhất là đối với tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, giữa thời cơ và thách thức phải làm sao tận dụng thời cơ tốt nhất, nếu không thời cơ sẽ lại biến thành thách thức. "Xu hướng dịch chuyển chuỗi đầu tư, thương mại là cơ hội nhưng nếu không hành động nhanh, quyết liệt và đúng đắn thì các cơ hội này sẽ trôi qua. Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, chuyển đổi số, mô hình kinh doanh mới, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là những cơ hội để trỗi dậy trong thời gian tới", ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Kinh tế Việt Nam: Bức tranh sáng trong đại dịch - Ảnh 2.

Xuất khẩu nông sản đạt con số ấn tượng.

Chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và phát triển cho biết, đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công là một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế 2021. Tuy nhiên, phải xác định ưu tiên đầu tư công tập trung vào vùng nào và ở những lĩnh vực nào để kích thích phát triển kinh tế. "Năm 2021 cần tập trung đầu tư vào các công trình hạ tầng kết nối để thúc đẩy lưu thông, XNK hàng hóa, nhất là hạ tầng kết nối giữa các vùng và giữa các hệ thống đường cách xa đường quốc lộ, đường cao tốc, hệ thống đường gom và với các cơ sở hậu cần đang có hiện nay, đồng thời cần phải kết nối đường sắt với các cảng biển quốc tế, thay vì chỉ kết nối với đường bộ như hiện nay", ông Đặng Đình Đào nói.

Các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra khuyến nghị cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021: Đầu tiên, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn, nhất là khi EVFTA đã có hiệu lực. Tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Cần ưu tiên nhiều hơn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các cơ sở và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nền tảng công nghệ thông tin, phát triển khu vực nông thôn… Thúc đẩy mạnh mẽ khối kinh tế tư nhân; đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa.

Đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ và giao dịch điện tử, thanh toán điện tử; vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp. Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia… Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, để vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư sang Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài…

Năm 2021, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trở lại và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao so với khu vực và trên thế giới. Đơn cử, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 tăng 6,7%, Ngân hàng ADB dự báo tăng 6,3%, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng 7,1%... Còn theo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ hồi phục trở lại, tuy nhiên đà hồi phục có thể theo 2 kịch bản, 1 là tăng 6,5 - 7,5% và 2 là tăng từ 5 - 6%.

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Quốc hội đặt "mục tiêu kép," vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm.