Ngày 19/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.
Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam là sự kiện thường niên hằng năm của Quốc hội.
“Diễn đàn là phương thức quan trọng để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia, các quyết sách của Quốc hội”, theo ông Vương Đình Huệ.
Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội khái quát tình hình kinh tế xã hội và khẳng định, nửa nhiệm kỳ qua, Việt Nam cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
“Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm, tỷ lệ nợ công, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách đều dưới ngưỡng Quốc hội cho phép; nợ xấu được kiểm soát, tỷ giá khá ổn định. 8 tháng đầu năm 2023, thu hút vốn đầu tư FDI, giải ngân đầu tư công, khu vực dịch vụ có chuyển biến tích cực hơn.
Một số địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi hoặc duy trì đà tăng nhanh như Hải Phòng, Bắc Ninh, TP HCM…
Dù vậy, theo ông Vương Đình Huệ, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. “Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn
Trong đó, ông đặc biệt lưu ý, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà suy giảm; thu hút FDI chưa thật sự bền vững; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kỳ vọng, chưa có sự lan tỏa với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khu vực công nghiệp và xây dựng không còn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Đáng lưu ý, công nghiệp chế biến chế tạo từng là động lực dẫn dắt tăng trưởng trong nhiều năm, giờ suy giảm.Cạnh đó, tiêu dùng trong nước phục hồi chưa vững chắc. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng duy trì đà tăng trưởng, nhưng đang có dấu hiệu chậm lại khi tháng 8 giảm xuống còn có 10%...
"Sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Qua các cuộc khủng hoảng, các khó khăn, thách thức, ông Vương Đình Huệ nhận định, tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết.“Chúng ta cần tăng cường, phát huy “nội lực”, vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng”, theo Chủ tịch Quốc hội.
Đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó
Với tinh thần “đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó”, để đạt được các mục tiêu của diễn đàn, ông Vương Đình Huệ bày tỏ muốn lắng nghe những ý kiến, trao đổi, thảo luận tập trung giải đáp 3 câu hỏi lớn:
Một là, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo?
Hai là, thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay như thế nào? dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025?
Ba là, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025
Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận thật ngắn gọn, tập trung, đi thẳng vào các nội dung cốt lõi và trọng tâm, đề xuất những giải pháp cụ thể và thiết thực.
"Căn cứ các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Huệ nói.