Nhiều cầu treo xuống cấp nghiêm trọng:
Theo báo cáo từ Sở GTVT tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh có 279 cầu treo. Trong đó, huyện Đắk Glei có 76 cầu treo nhưng có tới 47 cầu không đảm bảo an toàn (trong đó 6 cầu đã dừng sử dụng); huyện Kon Plông có 70 cầu treo, trong đó 41 cầu mới được xây dựng, sửa chữa, 17 cầu không đảm bảo an toàn và 12 cầu đã dừng sử dụng; huyện Tu Mơ Rông có 36 cầu treo, trong đó có 9 cầu không đảm bảo an toàn; huyện Kon Rẫy có 24 cầu treo, trong đó 14 cầu đang xuống cấp, cần được duy tu, sửa chữa; huyện Đắk Tô có 20 cầu treo, trong đó có 5 cầu đã hư hỏng, xuống cấp, 2 cầu dừng sử dụng; huyện Ngọc Hồi có 19 cầu treo, trong đó có 12 cầu đang duy tu sửa chữa, 3 cầu hư hỏng, xuống cấp; huyện Sa Thầy có 18 cầu treo, trong đó có 6 cầu treo hư hỏng, xuống cấp; huyện Đắk Hà có 13 cầu treo, trong đó cầu treo hư hỏng, xuống cấp.
Cầu treo ở thôn 13, xã Đắk Pxi đã xuống cấp nghiêm trọng
Người dân sống gần những chiếc cầu treo xuống cấp đang rất lo lắng khi qua cầu, đặc biệt là mùa mưa lũ đến. Chị Y Thoan (thôn 13, xã Đắk Pxi, Đắk Hà) tâm sự: “Cây cầu treo thôn 13 đã được làm rất lâu nay đã hư hỏng nặng. Nhưng vì không còn đường khác để đi nên bà con đành chấp nhận đi làm nương rẫy và đem con mình tới trường học cho gần. Mỗi lần chúng tôi đi qua, chiếc cầu rung lắc ghê lắm, ván cầu và dây cáp đã hư hỏng từ lâu rồi. Bà con mong sao chính quyền sớm sửa chữa, để có cầu đi lại và đặc biệt là trẻ em qua lại không còn nguy hiểm như thế này nữa”.
Những tấm ván trên cầu treo được cột sơ sài không đảm bảo an toàn cho người dân qua lại
Hiện nay, với tác động của thời tiết khiến các cây cầu treo ngày càng bị hư hỏng nặng thêm, nhiều đoạn những tấm ván bắc ngang đã bị gãy rơi xuống sông. Để khắc phục tình trạng trên và tránh trường hợp những người đi qua cầu, đặc biệt trẻ em bị rơi xuống cầu, các hộ dân sống gần khu vực cầu đã tự đan mành, ghép những cây củi, cây gỗ để đi tạm bợ.
Thiếu kinh phí sữa chữa
Ông Vương Văn Mười, Phó chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện có 36 cầu treo, trong đó có 9 cầu không đảm bảo an toàn. Trước tình hình đó, huyện đã chỉ đạo các UBND xã cần tuyên truyền, vận động người dân không tụ tập đông người, không đi từng đoàn trên cầu, không dắt súc vật qua cầu để tránh sự cố xảy ra, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Đa số những chiếc cầu treo đã được xây dựng từ lâu nên chỉ cần một hay hai người đi bộ qua cầu là cây cầu rung lắc mạnh. Ốc vít, dây cáp treo cầu đã dần rỉ sét và được cuộn tạm bợ, sơ sài, có thể bị đứt gây sập cầu bất cứ lúc nào. Những tấm ván mục, thân tre nhỏ ghép lại làm mặt cầu và được buộc lại với nhau bằng dây thép nên không còn đảm bảo an toàn.
Theo ông Vũ Tiến Dũng, Chánh văn phòng Sở GTVT tỉnh Kon Tum: "Hàng năm, các huyện trên địa bàn vẫn kiểm tra, báo cáo tình hình hệ thống cầu treo trên địa bàn tỉnh về cho Sở. Cầu treo nằm trên địa bàn huyện nào, huyện đó quản lý và nguồn kinh phí cũng do huyện phụ trách. Sở chủ yếu chỉ theo dõi kiểm tra, hướng dẫn về mặt kỹ thuật khi sửa chữa hay xây mới".