Cách thi kỳ lạ- ra đề làm bài xong mới làm đáp án
Những cán bộ đang công tác tại các xã thuộc huyện Krông Năng tham dự kỳ thi cho biết, kỳ thi công chức do UBND huyện Krông Năng tổ chức vào ngày 10/7/2016, có 302 thí sinh đăng ký dự thi, bao gồm cả thí sinh đã được tạm tuyển công chức, hiện đang làm việc lâu năm tại UBND các xã đóng trên địa bàn huyện Krông Năng và các thí sinh tự do tham dự.
Ông Châu văn Lượm, Phó Chủ tich UBND huyện Krông Năng trao đổi với PV.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ đã được tạm tuyển và cũng vừa thi công chức đợt này bức xúc: "Trước kỳ thi em đã thấy họ (ý nói một số thí sinh tự do và một số con cháu lãnh đạo xã cùng thi) đã có đề thi và đáp án đánh sẵn được chúng em dùng điện thoại chụp lại vào ngày 3/7/2016, tức là trước ngày thi 1 tuần.( Nghi ngờ đề thi bị lộ), nhưng bản thân chúng em luôn nghĩ đã thi thì phải nghiêm túc và công bằng, nên các em không có suy nghĩ gì và không nói ra. Nhưng khi công bố điểm thi thì sự chênh lệch giữa các thí sinh tự do và chúng em rất lớn, nên chúng em mới vỡ lẽ ra là kỳ thi đã có sự dàn xếp từ trước".
Nhiều ý kiến trong số 36 công chức tạm tuyển khẳng định: "Ở Việt Nam chúng em chưa thấy một cuộc thi nào lại có điểm số mà môn thi tự luận cao như vậy. Ngoài việc chính xác 100% về nội dung, chuẩn xác về chính tả và bố cục và cách trình bày, thêm nữa là chữ viết nữa. tất cả đều hoàn hảo trong một bài thi tự luận và rất nhiều điểm số tối đa lọt vào danh sách những con em cán bộ, thì cuộc thi có công bằng không. Với lại phần ôn tập có đáp án ở phần tự luận đều không sai một chữ so với bài làm tự luận của những thí sinh đạt điểm cao? Sao lại có sự trùng hợp và những bộ óc “ Lê Qúy Đôn” nhiều ở đây vậy(?)".
Hình ảnh lộ đề mà thí sinh đã chụp được ngày 3/7, trước ngày thi 1 tuần.
Một số thí sinh có điểm số tự luận tối đa và gần tối đa có con cháu lãnh đạo như sau: Thí sinh Nguyễn Đình Ngọc, xã Ea Tân ( em vợ ông Hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện), có số điểm M1- 95 điểm, M2- 82,50 điểm, M3- 99,50 điểm, M4- 100 điểm. Trong đó M1 và M3 là hai môn tự luận.
Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Loan, xã Ea Toh ( con của Bí thư Đảng bộ xã Ea Toh), có số điểm M1- 97 điểm, M2- 100 điểm, M3- 99 điểm, M4- 100 điểm. là hai ví dụ mà những người tố cáo có nghi ngờ có chuyện gửi gắm.
Câu hỏi và Phao mang vào phòng thi.
Một vấn đề khúc mắc nữa mà dư luận đề nghị cần giải đáp là: Thí sinh Đinh Thị Mỹ Châu, xã Ea Puk,(em của ông Cao Xuân Phu, Trưởng phòng Nội Vụ). học cao đẳng thư ký văn phòng lại thi vào vị trí thống kê ở xã Ea Tam, và kết quả là đậu với số điểm cao ngất ngưỡng, mặc dù còn rất nhiều thí sinh khác có trình độ chuyên môn là đại học và phù hợp mà lại không được thi tuyển vào ngành thống kê của xã Ea Tam.
Đem những bức xúc trên trao đổi với ông, Cao Xuân Phu, Trưởng phòng Nội vụ huyện Krông Năng, Phó trưởng ban tổ chức kỳ thi, chúng tôi được ông Phu cho biết: Kỳ thi này là kỳ thi công chức đầu tiên của huyện kể từ khi thành lập huyện năm 1987. Theo đó huyện phê duyệt 126 chỉ tiêu. Đăng ký dự thi 302 thí sinh, cả công chức tạm tuyển và thí sinh tự do. Trong đó thí sinh được xét tuyển là 20, thí sinh trúng tuyển là 106. Việc nói để lộ đề là họ nói có đúng.
Cao xuân Phu cho rằng, làm bài xong chúng tôi mới xây dựng đáp án(?)
Sau khi hội đồng ra đề thi được niêm phong và bảo mật đến khi bóc đề thi, khi thí sinh thi xong chúng tôi mới xây dựng và hoàn thiện đáp án cho phù hợp với tình hình các thí sinh thi đề thi này."
Sau một thời gian đăng ký, sáng 6/9, chúng tôi mới có dịp tiếp tục làm việc với các ban, ngành liên quan của huyện, đứng đầu là ông Châu Văn Lượm, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức huyện, ông Lượm cho biết: Phương án tuyển dụng, giám sát và ra đề thi và chấm thi đã được Sở Nội Đắk Lắk phê duyệt. Ông Lượm cũng cùng chung ý kiến với ông Phu: Sau khi thí sinh làm bài xong, bài làm được niêm phong chúng tôi mới xây dựng đáp án cho phù hợp với đề thi.
Đại diện Sở Nội Vụ Đắk Lắk là ông, Phan Ngọc Càng, Trưởng phòng xây dựng chính quyền, cho biết: "Việc ra đề thi và đáp án là phải được giao để niêm phong cùng một lúc. Về việc ban thi tuyển công chức cấp xã huyện Krông Năng ra đề và đáp án theo cách như vậy, thì họ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Sở không thể can thiệp được.
Từ cách ra đề và chấm thi mà đáp án chạy theo bài làm như vậy ( không đúng với quy định là ra đề là phải giao ngay đáp án để niêm phong lại. Điều này đi ngược lại với bất cứ kỳ thi nào trên thế giới chứ không phải chỉ riêng Việt Nam".
Những cán bộ xã lâu năm kêu cứu
Trước những nghi vấn vi phạm ngiêm trọng của kỳ thi công chức huyện Krông Năng, 36 thí sinh là những cán bộ đã được tạm tuyển vào làm và cống hiến lâu năm cho huyện nhà, từ những ngày khó khăn đến nay, họ bức xúc và không giấu nổi nước mắt: "Từ khi được tuyển chúng tôi không vi phạm quy chế làm việc của xã và những quy định của nhà nước, bản thân chúng tôi đã cống hiến hết mình cho công việc và sự phát triển của huyện. Chúng tôi đóng bảo hiểm, đã được nâng lương, nâng ngạch theo quy định. Chúng tôi đi học bằng ngân sách nhà nước, được tham gia các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị theo quy định. Khi những thí sinh vào làm thay chúng tôi chưa có kinh nghiệm như chúng tôi và lại phải mất một thời gian rất dài mới hoàn thiện về kỹ năng nghiệp vụ như chúng tôi. Có những người đã cống hiến 16 năm, có người 18 năm, người thấp nhất cũng 4-5 năm. Chúng tôi đã hi sinh không làm công việc nương rẫy mà đi làm theo bằng cấp và ước mơ đã chon. Ai ngờ họ ( ý nói chính quyền huyện Krông Năng) sắp cho chúng tôi thôi việc, tuổi thì đã không còn trẻ nữa ai mà nhận vào làm việc chứ, bơ vơ không biết sắp tới phải làm công việc gì đây(?)".
Đơn thư khiếu nại gửi các cơ quan báo chí.
Các nhân viên lâu năm trong các vị trí đã được tạm tuyển cho biết: "Những người làm việc lâu năm được xét tuyển chứ không phải thi tuyển.
Như vậy: “ Căn cứ Khoản 2, Điểm B, Điều 15, Thông tư 06 ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ và căn cứ Khoản 1 Điều 21 Nghị định 112 của Chính phủ hướng dẫn. Người có bằng đại học, công tác ở vị trí đúng chuyên môn, không vi phạm pháp luật, hoàn thành tốt công việc không phải qua thi tuyển mà chỉ xét tuyển”. Vậy mà chúng tôi vẫn phải thi tuyển ?".
Hai thí sinh Nguyễn Thị Thanh Loan và Nguyễn Đình Ngọc được coi là anh em với các lãnh đạo.
Một huyện đã thành lập 30 năm, mà đây mới là lần đầu tiên thi tuyển công chức, để cho rất nhiều công chức tạm tuyển cứ mãi chờ mong. Tiền ngân sách nhà nước đã đào tạo họ, mồ hôi, công sức của họ cống hiến cho mảnh đất nơi họ sinh sống. Nhưng một cuộc thi tuyển công chức theo họ là thiếu công bằng và sai phạm nghiêm trọng đã dập tắt ước mơ chính đáng của họ.
Đề nghị UBND huyện Krông Năng, Sở Nội vụ Đắk Lắk, Công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc điều tra làm rõ những vấn đề mà chúng tôi đã nêu trên, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các thí sinh dự thi. Nếu sai phạm cần tổ chức một cuộc thi lại có sự minh bạch và rõ ràng hơn, đồng thời xử lý nghiêm những việc làm sai trái.