.Ông Hồ Văn Điền và gia đình bên mâm cơm cúng mừng vụ lúa mới.
Ngọc Linh đón chúng tôi bằng những trận cuồng phong. Ngọn núi cao 2.592m so với mực nước biển được mệnh danh là “mái nhà miền Nam” này chưa một ngày gió ngưng thổi trong mịt mù sương che. Chính sự khắc nghiệt của vùng đất đầy kỳ bí này đã hun đúc cho con người nơi đây một sức sống mãnh liệt để tồn tại cùng thiên nhiên. Không những thế họ còn sở hữu những nét đẹp rất riêng khiến người vùng khác không khỏi ngỡ ngàng.
Ngày chúng tôi quay gót trở về xuôi từ Ngọc Linh trong hành trình khám phá đỉnh núi này cũng đúng lúc nhà Hồ Văn Điền ở nóc Tắk Lang cúng rẫy mới sau vụ gieo hạt. Ông Điền - người cao lớn, mũi cao, là Xã đội trưởng nên chịu trách nhiệm dẫn đoàn đi khám phá vì vậy việc ruộng rẫy ông phải nhờ bà con chòm xóm làm giúp. Chủ nhà đãi cơm tối những người làm công với thịt gà và cơm gạo đỏ. Thứ gạo rẫy phải đúng 6 mùa trăng mới thu hoạch, cơm trở nên xơ cứng nhưng đầy dinh dưỡng. Hơn 20 người trong làng, già có, trẻ có, những đứa trẻ mới đang học lớp 5 cũng đã biết ra rẫy tỉa lúa giúp nhau. Ở Tắk Lang không có chuyện trả tiền công mà trả nhau bằng hình thức đổi công. Nhà nào vào vụ lúa cả làng kéo đến tỉa giúp, gia đình này tỉa xong lại kéo sang gia đình khác, cứ thế cho đến khi cái rẫy cuối cùng gieo tỉa xong thì người làng mới chịu gác chày lên bếp.
Rượu là nước, thuốc là cơm
Sau bữa cơm tối, dưới ánh điện mờ mờ trong căn bếp đầy khói, ba ché rượu cần ủ bằng thứ gạo đỏ hoặc hạt kê được mang ra dựng sát vách. Ông Điền đứng ra khấn nguyện. Ông mời già làng Hồ Văn Lên ngồi bên cạnh, một tay chấm vào ché rượu rồi bôi lên đầu già làng. Miệng ông Điền rì rầm cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu, con chim, con chuột không phá rẫy, con chồn con sóc không cắn phá ngô khoai, người người trong nhà, trong làng được ấm êm, khỏe mạnh. Xong phần lễ, hai người cùng uống rượu. Chủ nhà phải uống trước vì đó là thứ rượu cúng may mắn, người nào quý nhất sẽ được chủ nhà nắm tay dắt đến ngồi cạnh để cùng uống rồi nói chuyện.
Hồ Văn Thành, người tham gia làm công cho nhà ông Điền, rót bát rượu to mời khách. Rượu cần được hút sẵn để trong một can nhựa lớn bên cạnh những chum ché ngổn ngang. Mới 24 tuổi nhưng Thành khoe đã có vợ 3 con. Đưa bát rượu ngang mặt, Thành bảo: “Tục ở làng nếu mời khách thì cạn bát mới thật lòng. Sáng giờ lên rẫy bọn em làm hết 5 lít rồi. Uống đi, xem rượu của đồng bào có ngon hơn rượu dưới xuôi không”. Khách uống xong, Thành tự rót cho mình một bát đầy rồi uống cạn. Thành cho biết, khi ra rẫy, nước có thể thiếu nhưng can rượu bên hông lúc nào cũng có. “Cứ thấy khát là uống rượu vào, thế làm mới mạnh” - Thành hồ hởi khoe.
Trẻ em và phụ nữ Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh có những nét rất “Tây”. Ảnh: V.C.L
Những phụ nữ cũng bắt đầu vào cuộc. Họ uống say sưa, thỉnh thoảng móc từ lưng quần ra ống nứa nhỏ đựng bột thuốc lá xay nhuyễn mời nhau. Từng ngụm thuốc bột màu xám được họ bỏ vào miệng nhai kỹ trong kẽ răng rồi nuốt lấy nước. Ông Điền bảo: “Ở đây thuốc lá tự trồng mà ăn. Rượu tự làm mà uống. Người Xê Đăng có thể thiếu áo quần, gạo mắm nhưng thuốc và rượu thì không. Hút thuốc không tốt cho sức khỏe. Mình chỉ ăn thuốc thôi. Ăn mới ngon (Báo Quảng Nam đã có nhiều bài viết nói về tục “ăn thuốc” của đồng bào vùng cao Trà My - TS)”.
Những đứa trẻ cũng mời nhau rượu, chúng uống sau người lớn bằng những ché riêng cho mình. Chỉ trong chốc lát ché rượu cần của bọn trẻ đã cạn, nước liên tục được châm vào. Bà Lượng, mẹ ông Điền giải thích cho khách: “Ở đây con gái uống rượu từ lúc lên 9, lên 10. Không uống rượu thì khó lấy chồng lắm. Ai cũng uống hết. Uống mới vui!”. Cứ thế những đứa trẻ múc từng chén nước đổ vào ché rượu cần rồi thay nhau uống, nói cười với nhau. Bếp lửa giữa nhà vẫn tanh tách cháy sưởi ấm những khuôn mặt đỏ hây hây trong men cay.
Chị Tình, người Tam Kỳ lên dựng hàng quán ngay đầu dốc vào cổng làng Tắk Lang bán tạp hóa. Thứ bán đắt đỏ nhất của cửa hàng là rượu gạo. Làng có 67 nóc nhà với gần 300 người dân nhưng mỗi ngày chị Tình bán ra gần 90 lít rượu. Chưa kể nhà nào cũng đầy chum ché đang chứa rượu cần chuẩn bị sẵn. “Bán nợ cũng phải bán, nửa đêm cũng phải thức dậy bán, nếu không họ kêu cửa suốt đêm. Có điều người dân cũng hiền. Đến mùa thu hoạch sâm nhà nào chưa trả tiền kịp thì mang sâm ra trừ nợ” - chị Tình cho hay.
“Tây” trên đỉnh núi
Trong men rượu ngà ngà say, ông Điền kể rằng muốn lấy vợ khác (vợ ông đã qua đời vì bệnh - NV) nhưng chưa có ai xinh đẹp như vợ mình nên chưa chọn; hơn nữa vì thương con còn nhỏ nên thôi. Chỉ hai đứa con gái ngồi sát bếp, ông bảo: “Nhìn nó thì biết vợ mình!”. Hai đứa trẻ đang ngồi sưởi ấm có mái tóc vàng suôn mượt, da trắng, đôi mắt màu xanh lơ. Ông Điền bảo vợ của ông ngày trước cũng vậy. Người cao dong dỏng, tóc vàng, da trắng dù cho suốt ngày phơi nắng trên nương. Bản thân ông Điền cũng vậy, là người dân tộc thiểu số nhưng ông cao gần 1,8m; có râu quai nón, thân hình vạm vỡ. Anh em bà con của ông cũng thế. “Ở làng này rất nhiều người cao to, mắt xanh, tóc vàng da trắng như vậy” - ông Điền nói.
Ông Điền kể rằng gốc gác của ông từ bên kia đỉnh Ngọc Linh, thuộc xã Mường Hoong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, nơi có đồn bót đóng quân của lính viễn chinh Pháp. Theo lời ông Điền, mẹ ông tóc vàng, đến ông rồi các con cũng vậy. Vợ ông cũng sở hữu những nét đẹp rất “Tây”. Khi chiến cuộc xảy ra, một nhóm người Xê Đăng “chạy Tây” tiến dần về phía Ngọc Linh để lánh nạn. Cuộc di dân cứ thế kéo dần qua bên kia núi về hướng bắc đến địa phận Nam Trà My bây giờ. Hiện tại, hàng năm người Xê Đăng ở Ngọc Linh thuộc Quảng Nam vẫn tìm cách cắt rừng xuyên qua eo núi về thăm lại bà con quê xưa. Một con đường mòn bí hiểm chỉ có họ mới biết. Ông Điền cho hay, ngay chính người Xê Đăng ở Ngọc Linh khi xuyên rừng thăm bà con cũng rất dễ đi lạc bởi thứ hương rừng có mùi ngai ngái làm cho người đi đường cảm giác như bị say và mất phương hướng.
Ở Ngọc Linh, nét “Tây” đôi khi không rõ trên người lớn, nhưng ở những đứa trẻ vừa lên 6 lên 10 rất dễ nhận thấy. Cô giáo Trần Thị Tình, dạy lớp 2 điểm Trường Tiểu học Ngọc Linh thuộc thôn 3, xã Ngọc Linh, bảo chúng tôi rằng nhiều năm công tác ở đây, điểm trường có những học sinh sở hữu nét xinh xắn rất “Tây”. Em Hồ Văn Vúi (lớp 2/6) trông cao to, trội hẳn so với các bạn cùng lớp. Cậu bé có nụ cười rất duyên với sống mũi cao và mái tóc vàng. Thấy chúng tôi đưa máy ảnh bấm, cậu bé nhoẻn miệng cười: “Do phơi nắng nhiều nên tóc cháu vàng đấy!”. Nhưng cô Tình bảo: “Thứ tóc vàng đặc trưng của người dân ở đây không phải bị tác động bởi thứ gì. Chắc trời cho!”. Em Hồ Thị Lệ (lớp 1/6) cũng vậy. Giờ múa hát cô bé luôn được các bạn bè yêu quý bởi cô rất giống một búp bê xinh đẹp. Thầy Hồ Văn Hùng, người dạy học ở đây gần 20 năm cho biết, năm nào, thế hệ nào trường cũng có nhiều học sinh “Tây” như vậy. Không những ở điểm trường Tắk Lang mà ngay ở điểm chính tại Trường tiểu học bán trú Ngọc Linh cũng có hàng chục học sinh như thế.