.
Đây là Hiệp định có ý nghĩa chiến lược cho cả Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh nói chung và từng nước thành viên nói riêng. Được chính thức khởi động tại Việt Nam ngày 28/3/2013, sau thời gian đàm phán và hoàn tất các thủ tục phê duyệt nội bộ, các bên đã ký kết Hiệp định FTA với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao, đảm bảo cân bằng lợi ích và có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.
Toàn cảnh lễ ký FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu
Hiệp định bao gồm các chương chính về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), thuận lợi hóa hải quan, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), công nghệ điện tử trong thương mại, cạnh tranh, pháp lý và thể chế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev trao biên bản sau lễ ký
Theo đánh giá bước đầu của Liên minh Kinh tế Á - Âu, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh sẽ đạt 10 -12 tỷ USD vào năm 2020 (tăng mạnh so với mức 4 tỷ USD năm 2014). Việt Nam ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh hàng năm sẽ tăng khoảng 18 - 20%.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Việc ký Hiệp định hôm nay đưa Việt Nam vinh dự trở thành đối tác quốc tế đầu tiên ký FTA với Liên minh. Hiệp định này cũng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Liên minh về phát triển hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương năng động, một động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu sau lễ ký
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định là một thành viên năng động của ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực để Liên minh kinh tế Á-Âu mở rộng quan hệ với Cộng đồng ASEAN - một thị trường phát triển năng động có trên 600 triệu dân với GDP đạt khoảng 2.500 tỷ USD; đồng thời cho biết Việt Nam cũng đang đẩy nhanh kết thúc đàm phán FTA với nhiều đối tác lớn, như vậy, khi đầu tư, kinh doanh với Việt Nam, doanh nghiệp của các nước thành viên Liên minh sẽ có cơ hội thuận lợi trong tiếp cận thị trường của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.