Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam - Cam-pu-chia và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Hô Nam-hông, Chủ tịch Phân ban hợp tác Cam-pu-chia - Việt Nam đồng chủ trì kỳ họp.
Trong bầu không khí hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã tập trung rà soát việc triển khai các thỏa thuận hợp tác của Kỳ họp lần thứ 13 UBHH Việt Nam – Cam-pu-chia, nhất trí cho rằng việc Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm viếng lẫn nhau trong thời gian qua như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước tới Cam-pu-chia (12/2014), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Cam-pu-chia (01/2014), Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia Hêng Xom-rin (Heng Samrin) thăm chính thức Việt Nam (8/2014)... đã góp phần làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (trái) trao đổi Biên bản Thỏa thuận của Kỳ họp thứ 13 với Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí cho rằng hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2014, Việt Nam có 167 dự án đầu tư tại Cam-pu-chia với tổng vốn đạt 3,46 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2014 đạt 3,3 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2015 đạt gần 2,5 tỷ USD. Hợp tác về giáo dục-đào tạo, viễn thông, nông-lâm-ngư nghiệp, du lịch, tài chính, ngân hàng, y tế, hàng không, năng lượng, dầu khí… được quan tâm đẩy mạnh.
Hai bên đã trao đổi và thỏa thuận về phương hướng và các biện pháp nhằm gia tăng hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới. Theo đó, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác giáo dục, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, triển khai hiệu quả các dự án đã được cấp phép và sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác mới. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như tài nguyên môi trường, nông-lâm-ngư nghiệp, năng lượng, dầu khí, lao động, y tế… và triển khai kết nối hai nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực giao thông, viễn thông, tài chính, ngân hàng và du lịch.
Hai bên khẳng định quyết tâm sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển; nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong thời kỳ chiến tranh ở Cam-pu-chia. Phía Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia trong việc đảm bảo lợi ích chính đáng của kiều dân Việt Nam sinh sống tại Cam-pu-chia được đối xử bình đẳng như đối với kiều dân nước khác đang sinh sống tại Cam-pu-chia phù hợp với qui định, luật pháp của Cam-pu-chia và trên tinh thần quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công; tăng cường hợp tác với các nước trong khuôn khổ Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), Ủy hội sông Mê Công (MRC), Tam giác phát triển ba nước Cam-pu-chia-Lào-Việt Nam (CLV) và hợp tác bốn nước Cam-pu-chia-Lào-Mi-an-ma-Việt Nam (CLMV), Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayawadi – Chao Phraya - Mê Công (ACMECS)… Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, ASEM và các diễn đàn quốc tế khác.
Kết thúc Kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Cam-pu-chia Hô Nam-hông đã ký Biên bản Thỏa thuận của Kỳ họp làm cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương hai bên tiếp tục triển khai hợp tác trong thời gian tới, đưa mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước ngày càng phát triển bền vững.
Theo thỏa thuận, Kỳ họp UBHH Việt Nam–Cam-pu-chia lần thứ 15 sẽ được tổ chức tại Cam-pu-chia trong năm 2016.