Xem xét thông qua 16 dự án Luật
Chủ nhiệm, Bộ trưởng VPQH Nguyễn Hạnh Phúc
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp thứ 10 là kỳ họp có khối lượng lớn. Theo đó, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua 16 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 11 dự án luật. “Các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến hầu hết được UBTV QH xem xét tại phiên họp tháng 9. Với tiến độ như vậy, nếu các cơ quan hữu quan tích cực, khẩn trương hoàn thiện thì có thể gửi tài liệu đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, thảo luận trước tại địa phương đúng thời gian theo quy định (20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp)”, ông Phúc đề nghị.
Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề và xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của các cơ quan của Quốc hội. Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, kết luận của UBTV QH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 và trên cơ sở đó tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. “Hiện nay, các cơ quan đang tích cực chuẩn bị, hoàn thiện tài liệu của các nội dung để trình UBTV QH cho ý kiến, gửi đại biểu Quốc hội”, ông Phúc cho biết.
Đây là kỳ họp cuối năm, nên tại kỳ họp lần này Quốc hội sẽ dành thời gian thỏa đáng để xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016....
Bên cạnh các nội dung như thường lệ, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội; phê chuẩn phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia và quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của tòa án
Cho ý kiến về dự án Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp, đa số ý kiến trong UBTV QH đều hoan nghênh và đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo cũng như Ủy ban Tư pháp trong quá trình xây dựng dự án Pháp lệnh.
Dự án Pháp lệnh gồm 6 chương, 34 điều bao gồm những nội dung cơ bản: phạm vi điều chỉnh; mục tiêu đào tạo; chính sách của Nhà nước về phát triển đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo, giảng viên và học viên…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Ủy ban Tư pháp tán thành với căn cứ pháp lý ban hành Pháp lệnh vì cho rằng hiện nay hoạt động đào tạo nghề của các chức danh tư pháp chưa được điều chỉnh trong Luật giáo dục, Luật giáo dục nghề nghiệp. Việc ban hành Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp sẽ tạo mặt bằng chung để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, hình thành mô hình đào tạo mới, góp phần mở rộng hơn nguồn nhân lực để bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ chức danh tư pháp, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề gồm: tên gọi của Pháp lệnh, việc giao nhiệm vụ đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.
Về tên gọi của Pháp lệnh, thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị vẫn giữ tên gọi là “Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp” như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 của Quốc hội vì cho rằng nếu Pháp lệnh chỉ quy định việc đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư là sẽ thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh vì chức danh tư pháp còn bao gồm cả các đối tượng khác như: Điều tra viên, Chấp hành viên, Thư ký Tòa án… không đúng với mục đích và yêu cầu của việc bổ sung Pháp lệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh chỉ nên bao gồm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và đề nghị UBTV QH cho phép đổi tên thành Pháp lệnh Đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh.
Về việc giao nhiệm vụ đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, đa số ý kiến thành viên UBTV QH không tán thành với quy định của dự thảo Pháp lệnh về đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư vì cho rằng hiện nay đã có chủ trương cho các cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được đào tạo ngành nghề của mình.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hiện các phiên tòa xét xử cả nước đang thiếu rất nhiều luật sư. Nếu học viên chỉ tốt nghiệp từ trường này ra mới trở thành luật sư, vậy bao giờ đất nước mới có đủ luật sư?
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, việc đào tạo chung cho phép lựa chọn những người giỏi để đào tạo trở thành thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; vậy đào tạo riêng không cho phép lựa chọn người giỏi?
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: mô hình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đã được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới và đã thu được những thành công nhất định. Dự án Pháp lệnh này đưa ra mô hình đào tạo chung, sẽ tổ chức thi đầu vào quốc gia, giúp lựa chọn được những học viên xuất sắc nhất, từ đó chất lượng hoạt động xét xử của tòa án được nâng cao.