Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kỹ năng phòng chống ma túy học đường

Hàng loạt vụ việc liên quan đến các thanh thiếu niên, học sinh sử dụng ma túy bị phát hiện thời gian qua khiến dư luận lo lắng. Để đẩy lùi tệ nạn ma túy học đường đòi hỏi sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Bên cạnh đó cũng cần sự hiểu biết, nhận thức đúng của học sinh để tự biết bảo vệ bản thân. Trang bị kiến thức phòng tránh là yếu tố quan trọng nhất để giữ cho các em không rơi vào vòng xoáy của ma túy, dẫn đến hậu quả khôn lường.

Tuyên truyền tác hại của ma túy trong học đường là nội dung quan trọng trong đấu tranh đẩy lùi tệ nạn này.

Tuyên truyền tác hại của ma túy trong học đường là nội dung quan trọng trong đấu tranh đẩy lùi tệ nạn này.

Hành trình “làm lại” cuộc đời

Từng là một “con nghiện” có thâm niên, nhưng Lê Trung Tuấn đã nỗ lực, cai nghiện thành công và sau đó trở thành doanh nhân thành đạt. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy PSD. Ông đoạt nhiều giải thưởng, được vinh danh và trở thành tấm gương sáng trong cuộc chiến chống ma túy. Là người thiết lập chương trình phòng ngừa ma túy, tạo ra những lớp lang bảo vệ trẻ em trước cám dỗ của chất gây nghiện, ông Lê Trung Tuấn cho rằng, Việt Nam cần chương trình hành động mang tầm quốc gia để ma túy không len lỏi vào đời sống xã hội, nhất là tấn công vào giới trẻ.

Ma túy là sự ám ảnh khủng khiếp nhất mà ông Lê Trung Tuấn đã trải qua. Hơn 26 năm trước, khi đang là sinh viên của Trường Cao đẳng Quản trị kinh doanh tại Hưng Yên, chỉ vì sự ngông cuồng của tuổi trẻ cộng với thiếu hiểu biết và bị bạn bè rủ rê, Tuấn đã sử dụng ma túy và nghiện ma túy sau 2 tháng. 6 năm nghiện ma túy là chừng ấy năm Tuấn sống cuộc đời lầm lạc khi làm mọi thứ xấu xa để có tiền sử dụng chất cấm. Bao nhiêu hoài bão tuổi trẻ, sức khỏe và niềm tin bị chôn vùi… Tuấn đã chứng kiến nhiều người quen chết do ma túy và hàng nghìn cuộc đời thanh thiếu niên bị ma túy hủy hoại. Nhắc lại nỗi đau của 6 năm "chung sống" với ma túy, ông Tuấn mong muốn đây là bài học cho các phụ huynh, nhà trường cần quan tâm đến con em mình, giúp các em tránh xa hiểm họa ma túy. "Giá như ngày đó cha mẹ và thầy cô giáo của tôi được tập huấn kỹ càng về cách phòng tránh ma túy thì có lẽ họ đã ngăn chặn kịp thời, không để tôi lún sâu vào vũng bùn tội lỗi", ông Tuấn bày tỏ.

Sau khi thoát khỏi ma túy bằng sự nỗ lực phi thường của bản thân, 23 năm qua, Tiến sĩ danh dự Lê Trung Tuấn đã dành tâm sức nghiên cứu các phương pháp phòng, chống ma túy, điều trị tâm lý cho người nghiện, giúp cho nhiều người làm lại cuộc đời. Ông chia sẻ: “Tôi phát nguyện đóng góp hết sức mình vào công cuộc phòng, chống ma túy vì không muốn nhìn đời các em bị vỡ nát”. Viện PSD đã ra đời, đồng hành với Bộ GD&ÐT triển khai các giải pháp để phòng, chống ma túy trong trường học. PSD đã nghiên cứu và phát triển bộ tài liệu “Kỹ năng phòng chống ma túy dành cho học sinh, phụ huynh và cán bộ quản lý giáo dục”. Bộ tài liệu này ra đời như một bộ công cụ, giải pháp hữu hiệu, căn cơ nhất giúp nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng để đẩy lùi tệ nạn ma túy nói chung và ma túy học đường nói riêng.

“Mỗi độ tuổi có kỹ năng, tư duy, hiểu biết khác nhau. Vì thế, bộ tài liệu được xây dựng và cung cấp kiến thức cho từng đối tượng một cách thích hợp từ em học sinh THCS đến THPT. Với cán bộ quản lý, bộ tài liệu giúp các thầy cô phát hiện sớm học sinh có dấu hiệu sử dụng ma túy, hay sử dụng loại ma túy nào và tần suất cũng như thời gian từng sử dụng. Với cha mẹ, chúng tôi hướng dẫn cách phát hiện dấu hiệu lạ từ chai nước, ống hút, tờ giấy xé đi để tiên đoán liệu trình, dấu hiệu con mình sử dụng ma túy gì, cường độ bao lâu. Từ đó, phát hiện sớm ngăn chặn con em mình lấn sâu vào ma túy. Nếu cộng đồng xã hội cùng chung tay vào cuộc thì chúng ta sẽ thành công trong phòng ngừa ma túy, cứu được cả thế hệ. Bộ GD&ÐT cũng ban hành bộ tài liệu này chính thống và có kế hoạch 5 năm tới để ngăn ngừa ma túy học đường. Nếu thực hiện tổng thể, chỉ 3-5 năm chúng ta có thể xây dựng kiến thức khổng lồ trong xã hội. Khi cung cấp kiến thức lặp lại ở cường độ cao thì tự xã hội xây dựng cơ chế phòng vệ riêng, được “tiêm vaccine” phòng vệ. PSD đưa liệu pháp điều trị tâm lý cho người nghiện ma túy. Trong hơn 10 năm qua, có khoảng 60% người đến với chúng tôi sau hành trình trị liệu 3 tháng không tái sử dụng lại ma túy.” - ông Tuấn chia sẻ.

k de ma tuy xam nhap hoc duong

Các giải pháp giúp giới trẻ thoát khỏi “cái chết trắng”

Trước những cám dỗ của ma túy với lứa tuổi học sinh, việc trang bị kỹ năng phòng ngừa ma túy là chìa khóa để bảo vệ các em. Các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là việc giáo dục của cha mẹ với con ở thời điểm các em đang trong quá trình trưởng thành. Gia đình phải thường xuyên quan tâm đến tâm lý tuổi dậy thì, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức phòng ngừa, giúp con hiểu tác hại của ma túy; dìu dắt con vượt qua khó khăn, vướng mắc của cuộc sống; nên mềm mỏng nhưng cương quyết khuyên bảo con tránh xa bạn bè xấu; không cho con tự ý tiêu tiền, đặc biệt là số tiền lớn; quản lý thời gian, bố trí lịch học, lịch làm việc nhà, lịch chơi thể thao của con một cách phù hợp; giáo dục con lối sống lành mạnh, văn hóa, đạo đức, chịu khó đọc sách; biết quan tâm đến mọi người, không ăn chơi đua đòi. Khi phát hiện con nghiện ma túy, cha mẹ phải bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, giải thích tác hại của ma túy cũng như khuyên nhủ con không nên tiếp tục sử dụng ma túy. Ðồng thời, phải báo cáo với chính quyền địa phương để được giúp đỡ, hướng dẫn tổ chức cai nghiện cho con.

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng chống ma túy dành cho học sinh, phụ huynh và cán bộ quản lý giáo dục”.

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng chống ma túy dành cho học sinh, phụ huynh và cán bộ quản lý giáo dục”.

Ðể bảo vệ học sinh tránh xa tệ nạn ma túy, hàng năm, các Sở GD&ÐT chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức cho học sinh trong phòng, chống ma túy. Bên cạnh các buổi nói chuyện chuyên đề để các em hiểu rõ hơn về tác hại của ma túy, nhà trường cùng với lực lượng công an, ngành GD&ÐT thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập vào học đường. Vận động học sinh, cán bộ quản lý, nhà giáo tham gia phong trào phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy và tự giác khai báo về tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Các trường cũng phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xét nghiệm ngẫu nhiên và đột xuất khi cần thiết nhằm phát hiện học sinh sử dụng ma túy; Gần gũi, giúp đỡ học sinh có lầm lỡ tái hòa nhập vào môi trường giáo dục.

Với bản thân mỗi người, nhất là thanh thiếu niên cần có lối sống trong sạch, lành mạnh, không sống buông thả, cương quyết không quan hệ với những đối tượng xấu, có liên quan đến ma túy; không thử, không sử dụng ma túy dù chỉ một lần; tham gia xây dựng môi trường học tập lành mạnh; tích cực tham gia các buổi ngoại khóa tìm hiểu kiến thức về tác hại của ma túy tại trường học hoặc cộng đồng; không nhận tiền, quà có giá trị của người khác mà không rõ lý do...

Việc phòng, chống ma túy xâm nhập vào học đường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, để trẻ em được hưởng một môi trường giáo dục và môi trường xã hội lành mạnh.