Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Kỷ niệm 20 năm báo Gia đình Việt Nam: Hai mươi năm ấy biết bao tình...

Vào đúng thời điểm này, mùa thu của 20 năm về trước, ấn phẩm đầu tiên mang tên Gia Đình đã chính thức ra mắt bạn đọc. Dẫu thông tin buổi ấy vẫn còn sơ khai, đội ngũ vẫn chỉ là những người kiêm nhiệm, cơ sở vật chất hết sức nghèo nàn, song lại đánh dấu một sự khởi đầu mang tính lịch sử, cho hành trình rất đáng nhớ, rất đỗi tự hào của báo Gia Đình Việt Nam hôm nay.

 

Mồng 5 tháng 10 năm 1995. Đó là một ngày đáng nhớ. Ngày ấn phẩm đầu tiên của tạp chí Gia Đình được đến tay bạn đọc theo giấy phép của Bộ Văn hóa Thông tin. Khi ấy, tạp chí Gia Đình vốn được coi như một bản tin nội bộ, phát hành trước hết trong hệ thống văn phòng cơ quan Trung ương Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam và một số tỉnh thành. Vì là tạp chí mang tên Gia Đình nên ngoài những thông tin về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, Tạp chí còn có một số bài viết cung cấp kiến thức về nuôi dạy con cái, chuyện vợ chồng, chuyện sức khỏe giới tính, cẩm nang về bếp núc, nghệ thuật ẩm thực…
Thời gian lặng lẽ ấy trôi đi, 4 năm sau đó, câu chuyện về một thời làm tạp chí dạng bản tin bỗng chốc được khơi dậy trong tâm thức của các vị lãnh đạo cao nhất của cơ quan Trung ương Hội. Khi ấy, Chủ tịch Hội - Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song và bà Chu Thị Xuyến, Phó Chủ tịch Hội dường như đã “thống nhất cao” về ý tưởng xây dựng bộ mới của tạp chí Gia Đình trên nền tảng cái “bản tin” đã có. Ngay sau những cuộc họp khẩn trương, Phó Chủ tịch Chu Thị Xuyến khi đó phụ trách công tác truyền thông của Hội được giao phụ trách tạp chí.
Tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Gia đình Việt Nam
Vốn là một cán bộ nhiều năm làm công tác lãnh đạo ở Trung ương Đoàn, khi chuyển sang Hội thì “bầu máu nóng” đầy sức trẻ, sức sáng tạo của một thủ lĩnh thanh niên lại có dịp được phát huy. Bà Chu Thị Xuyến đã nghĩ ngay đến một người cộng sự cũng đang công tác trong hệ thống Đoàn đó là nhà báo Nguyễn Văn Minh, khi ấy là Phó Tổng biên tập báo Tiền phong. Vậy là vị trí lãnh đạo cao nhất của tạp chí đã được hình thành, bà Chu Thị Xuyến làm Tổng biên tập, nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Phó tổng biên tập.
Đúng là, “một người biết lo bằng kho người làm”. Khởi thủy từ hai con người đầy nhiệt huyết và ngồn ngộn ý tưởng ấy, một mô hình “tòa soạn đa năng” đã được hình thành chỉ trong vài tháng. Dáng dấp của tờ tạp chí đúng nghĩa cũng đã được định hình chỉ với bộ máy chưa đến 5 người. Chủ trương là tiết kiệm nhân sự bởi khi được giao nhiệm vụ triển khai bộ mới thì tạp chí Gia Đình chỉ là con số không tròn trĩnh.
Không trụ sở, không tiền, thậm chí là cả không người làm, thế nhưng, mọi cái nhanh chóng được giải quyết bằng nỗ lực và sự xoay xở một cách tài tình của Tổng biên tập Chu Thị Xuyến và Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Minh. Chạy tới chạy lui, cuối cùng thì những thứ cơ bản rồi cũng có, trụ sở được thuê tại số 1 Nguyễn Gia Thiều, Hoàn Kiếm, Hà Nội - chỉ cách Hồ Gươm chừng một cây số. Rồi nhân sự, máy tính cũng có một bộ ưu tiên cho họa sĩ, một hai nhân sự kiêm đủ thứ, từ bài vở, phát hành, tiếp khách, trả nhuận bút, kế toán… Tất tật những công việc của một tòa soạn báo mà chỉ có vài người lo liệu.
Ông Hồ Minh Chiến - Tổng Biên tập Báo Gia đình Việt Nam
Nhân tài và vật lực dường như không thể thiếu, không thể tách rời nếu muốn thành công. Ngay trong năm đầu làm bộ mới ấy, xác định phải có nhân sự chủ chốt để có thể cầm cương được một cách dài hơi, bền vững, chứ không thể kéo dài tình trạng “ăn đong” bài vở mãi. Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Minh đã nghĩ ngay đến một người khó ai hơn được trong vai trò ấy - nhà báo Trần Hòa Bình. Nhà thơ, nhà báo Trần Hòa Bình khi ấy đang là giảng viên của Phân viện Báo chí Tuyên truyền đã có thời gian dài cộng tác và giữ chuyên mục hấp dẫn trên báo Tiền phong.
Vốn nể anh Minh và cũng quý trọng tài năng của nhau, anh Bình đã nhận lời về làm Thư ký tòa soạn, sau này được bổ nhiệm làm Phó tổng biên tập phụ trách toàn bộ nội dung, tổ chức bài vở và trực tiếp kiêm luôn mấy chuyên mục trên tạp chí. Từ ngày thầy Bình về Tạp chí, học trò trường báo, đàn em, bạn bè đang công tác tại các tòa soạn, những anh chị là văn nghệ sĩ đã coi địa chỉ số 1 Nguyễn Gia Thiều như một điểm đến đầy hấp dẫn. Từ việc cộng tác bài vở, tham gia hỗ trợ những công việc hàng ngày tại tòa soạn, tham gia các hoạt động sau báo, các dự án do báo thực hiện, họ đều rất hào hứng, vui vẻ như chính họ là người của tòa soạn vậy.
Từ năm 2001, Tạp chí chuyển trụ sở về số 19 Triệu Việt Vương. Nơi đây cũng đã để lại không ít những kỷ niệm vui buồn đối với những người làm tạp chí Gia Đình và anh chị em, các đồng nghiệp đã có sự khởi đầu cộng tác hoặc tham gia các hoạt động của tòa soạn. Từ năm 2000 và những năm sau đó được coi là thời kỳ hoàng kim của tạp chí Gia Đình với số lượng phát hành lên đến gần chục vạn bản. Tạp chí Gia Đình trở thành người bạn đồng hành không chỉ trong công việc, trong mỗi bữa cơm gia đình, mà còn thực sự hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục con cái.
Nhưng, có điều thật buồn là hai vị lãnh đạo tài năng, tâm huyết và đức độ là anh Minh, anh Bình đều sớm ra đi khi đang còn ấp ủ nhiều dự định. Mất mát to lớn ấy như những cú sốc dội lên tâm tư tình cảm của những người làm tạp chí Gia Đình cũng như anh em bạn bè, học trò từng gắn bó thiết thân với tòa soạn.
Về sau, khi tòa soạn chuyển về cơ sở mới tại địa chỉ số 2 Lê Đức Thọ với đầy đủ cơ sở vật chất khang trang, nhiều thiết bị hiện đại cũng là thời kỳ Tạp chí có những bước chuyển mình rõ nét.
Sau này, khi tạp chí Gia Đình bước vào giai đoạn “đổi mới”, từ những năm 2010, nhiều chuyên trang chuyên mục đã được chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế đời sống xã hội, nội dung cũng được chú trọng đi vào những sự việc cụ thể, tạo sức hút và tính tương tác một cách rõ nét trong từng bài viết, từng số báo.
Ngày 22 tháng 4 năm 2011, tạp chí Gia Đình được Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội KHHGĐ Việt Nam cho phép nâng cấp thành Báo Gia Đình Việt Nam. Cá nhân tôi có một niềm tự hào nho nhỏ khi là người đã đề xuất cái tên Gia Đình Việt Nam để Ban biên tập chọn làm tên của tờ báo. Gia Đình Việt Nam từ đây không chỉ trở thành một cơ quan báo chí đầy đủ mà có nhiều ấn phẩm phụ, có cả báo điện tử với tin tức cập nhật hàng ngày hàng giờ, thông tin đa dạng phong phú, đội ngũ cán bộ phóng viên hùng hậu và ngày càng trẻ hóa, năng động.
Với nỗ lực trong suốt chặng đường 20 năm đồng hành cùng gia đình Việt, báo Gia Đình Việt Nam đã vinh dự được nhận những phần thưởng rất đáng trân trọng: Bằng khen của Bộ Y tế, Hội KHHGĐ Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thaoDu lịch, các Bộ, Ban ngành, UBND thành phố Hà Nội. Đặc biệt, năm 2009, báo được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích và công lao góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhớ về chặng đường 20 năm ấy, thế hệ chúng tôi hôm nay luôn trân trọng nhắc nhớ đến thế hệ đi trước, từ cán bộ phóng viên, biên tập, nhân viên đến lãnh đạo ban biên tập như: Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song, cử nhân Chu Thị Xuyến, nhà báo Lê Thị Túy, nhà báo Nguyễn Văn Minh, nhà báo Trần Hòa Bình, các anh chị: Nguyễn Hồng Văn, Hoàng Lân, Việt Hùng, Lê Chí Kiên, Đỗ Bình Minh, Thu Hà, Lê Mận, Nguyễn Thanh, Lê Thị Chính...
20 năm - chặng đường chưa hẳn đã dài, nhưng hành trình và những dấu ấn đẹp đẽ ấy không dễ gì quên. 20 năm ấy biết bao tình. Tuổi đôi mươi khởi đầu của sức trẻ. Dù con đường phía trước còn dài và không ít những chông gai thử thách, nhưng nhìn lại những tháng ngày đã qua, chúng tôi nguyện khắc ghi công lao của các thế hệ tiền nhiệm, coi đó là động lực để không ngừng phấn đấu, xây dựng đội ngũ ngày càng vững mạnh, đoàn kết một lòng đưa báo Gia Đình Việt Nam tiếp tục vươn xa, vươn cao, trở thành địa chỉ tin cậy, người bạn đồng hành của mọi gia đình Việt.