Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kỷ niệm sâu sắc trong thời gian công tác tại Bộ LĐ-TB&XH

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Đảng và Chính phủ đã có nhiều cố gắng cải thiện dần dần đời sống của nhân dân, công nhân, viên chức, cán bộ và bộ đội.

 

Chế độ tiền lương đã trải qua hai lần sửa đổi: Nǎm 1955, 1958. Qua đó đã cải thiện một phần đời sống của công nhân, viên chức, cán bộ, góp phần khuyến khích mọi người ra sức đẩy mạnh sản xuất và công tác. Việc ban hành một số chế độ trợ cấp xã hội, phúc lợi xã hội, thiết bị an toàn lao động đã có tác dụng cải thiện thêm điều kiện sinh hoạt và điều kiện lao động cho công nhân, viên chức, cán bộ ở các xí nghiệp, cơ quan. Đã cǎn bản thống nhất chế độ tiền lương, giảm bớt được tính chất bình quân và những điểm bất hợp lý trong chế độ lương cũ, bước đầu kế hoạch hóa được công tác tiền lương: Lập qũy lương riêng, qũy xã hội riêng, và đặt cơ sở bước đầu cho việc quản lý tiền lương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hạch toán kinh tế. Tuy vậy, đến đầu năm 1960, chế độ tiền lương nǎm 1958, đã bộc lộ những điểm chưa hợp lý: Trong khu vực sản xuất, thang lương đặt ra quá nhiều. Quan hệ giữa lương các ngành công nghiệp nặng và lương các ngành công nghiệp nhẹ, cũng như lương giữa các nghề với nhau chưa được hợp lý; lương của cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý xí nghiệp chưa phản ánh đúng nguyên tắc phân phối theo lao động; quan hệ giữa lương công nhân và lương cán bộ lãnh đạo trực tiếp cùng một đơn vị chưa được tốt; Trong khu vực hành chính, việc dựa vào tiêu chuẩn đức, tài, lịch sử công tác để sắp xếp cán bộ vào một thang lương có nhiều bậc, đưa đến kết quả là nhiều cấp bậc lương chưa được thỏa đáng đối với chức vụ, trách nhiệm và khả nǎng công tác của cán bộ, nhân viên. Chế độ lương như vậy chưa phù hợp với nguyên tắc phân phối theo lao động; Lương của một số cán bộ kỹ thuật, khoa học có tài nǎng tuy có được chú ý nâng lên, nhưng vẫn chưa được thích đáng; trái lại, lương của nhân viên kỹ thuật mới ra trường thì có phần cao, không hợp lý so với lương của các loại nhân viên, cán bộ chính trị, nghiệp vụ khác; chế độ bảo lưu lương còn nhiều, nhất là chế độ bảo lưu lương của viên chức lưu dung để kéo dài, tạo nên quan hệ hưởng thụ không hợp lý giữa các loại công nhân, viên chức với nhau và không phù hợp với nguyên tắc phân phối theo lao động; các chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi nghiên cứu chậm, ban hành không kịp thời, đã hạn chế một phần việc cải thiện toàn diện đời sống của công nhân, viên chức, cán bộ. Vì vậy nhiệm vụ công tác tiền lương năm 1960 là: Tiếp tục cải tiến chế độ lương và tăng lương, nhằm quán triệt thêm một bước nguyên tắc phân phối theo lao động; đi đôi với việc cải tiến chế độ lương cần cải tiến và ban hành các chính sách cụ thể và bảo hiểm xã hội và phúc lợi cho công nhân, viên chức và quân đội.

Để thực hiện hai nhiệm vụ trên cần đảm bảo đạt những yêu cầu sau đây:

- Cải thiện thêm một bước đời sống công nhân, viên chức, cán bộ, động viên mọi người phấn khởi sản xuất và công tác, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1960 và kế hoạch 3 năm.

- Cải tiến hệ thống các thang lương cho gọn, đơn giản, đồng thời phải quán triệt thêm một bước nguyên tắc phân phối theo lao động, giảm bớt tính chất bình quân và bất hợp lý cũ.

- Thống nhất chế độ lương và bảo hiểm xã hội phúc lợi cho toàn thể công nhân, viên chức, cán bộ trong biên chế Nhà nước, trên cơ sở ấy tăng cường hơn nữa công tác kế hoạch hóa lao động tiền lương và công tác quản lý kinh tế.

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, các Bộ quản lý kinh tế chưa có chuyên gia về lao động, tiền lương, các hình thức và chế độ trả lương do Bộ Lao động tham mưu ban hành và hướng dẫn tổ chức thực hiện. Thời gian đó tôi là Giám đốc Vụ tiền lương và Bảo hiểm xã hội của Bộ Lao động được giao làm Trưởng ban Cải cách tiền lương.

          Tôi còn nhớ, vào khoảng đầu năm 1960, khi mới đọc qua bản dự thảo về việc bỏ chế độ tiền lương cũ, thực hiện chế độ lương phân phối theo lao động, một số đồng chí cấp vụ trưởng tìm đồng chí Lê Thanh Nghị (trưởng ban nghiên cứu của Bộ Chính trị về tiền lương) đề nghị “Xem xét lại vì anh Đăng chưa vợ, chưa con nên dễ dãi bỏ chế độ cung cấp về con và chế độ cung cấp về giường mùng màn”. Anh Nghị cười và gọi chúng tôi nhắc đưa nội dung này vào phần đầu của chính sách tiền lương trong Nghị quyết Bộ Chính trị. Sau đó không thấy ai kêu ca gì nữa.

           Về giường màn, những người mới tạm tuyển thì được cho mượn, sau khi được tuyển chính thức sẽ trả lại cho xí nghiệp cơ quan. Thế là chế độ lương theo chế độ cung cấp được giải quyết ổn thỏa.

          Chế độ lương công nhân từ 18 bậc rút xuống 8 bậc và sắp xếp theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhà nước ban hành. Về tiêu chuẩn kỹ thuật, Bộ Lao động làm thí điểm ở ngành cơ khí. Sau đó các ngành kinh tế được vận dụng để sắp xếp cho ngành mình. Tiêu chuẩn này do tôi chủ trì làm thí điểm ở nhà máy TK1 và sau này thành tiêu chuẩn mẫu quốc gia của các ngành kinh tế quốc dân.

          Về chính sách tiền lương đối với cán bộ viên chức, lúc đầu mới nghe tôi trình bày về hướng và nội dung chính sách đối với cán bộ viên chức, các đồng chí trong Bộ Nội vụ (cũ) không tán thành, muốn tiếp tục thực hiện chế độ lương cung cấp cũ, cho là phù hợp với tình hình chung của ta. Sau đó đã diễn ra rất nhiều cuộc tranh luận giữa Ban Cải cách tiền lương do tôi làm trưởng ban với đại diện của các bộ, ngành liên quan. Rất đáng phấn khởi là Tổng Công đoàn có nhà máy trực thuộc là TK1 để làm thí điểm. Lấy thực tiễn hỗ trợ cho cuộc tranh luận và hầu hết các cuộc tranh luận đều có sự tham vấn của các ủy viên Ban Tổ chức Trung ương, có cuộc họp đích thân đồng chí Lê Đức Thọ ( Trưởng ban Tổ chức Trung ương) đến nghe và cho ý kiến chỉ đạo. Sau đó, ngày 5/7/1960, Nghị định số 25-CP của Hội đồng Chính phủ Quy định chế độ lương thuộc khu vực hành chính sự nghiệp ra đời. Theo đó, lương chức vụ của cán bộ, viên chức ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp gồm ba hệ thống ghi trên ba bảng lương : Bảng lương chức vụ của cán bộ lãnh đạo trong bộ máy hành chính từ cấp trung ương đến cấp huyện, cán bộ phụ trách các cơ quan chuyên môn và các cơ quan sự nghiệp; bảng lương chức vụ của cán bộ, viên chức nghiệp vụ, kỹ thuật, khoa học và bảng lương chức vụ của nhân viên làm công tác hành chính, quản trị, phục vụ.

Trên cơ sở Nghị quyết số 115-NQ/TƯ ngày 20/5/1960 của Bộ Chính trị về việc cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm 1960; Nghị quyết (không số) ngày 27/4/1960 của Hội đồng Chính phủ về việc cải tiến chế độ lương và tăng lương của Hội đồng Chính phủ, Bộ Lao động đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 24-CP ngày 1/7/1960 quy định chế độ lương thuộc khu vực sản xuất; Nghị định số 25 ngày  5/7/1960 quy định chế độ lương thuộc khu vực hành chính sự nghiệp. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy định về chế độ tiền lương. Thí dụ như: Thông tư hướng dẫn và giải thích phương hướng và biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện chế độ lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng; Thông tư quy định và hướng dẫn thi hành chế độ trả lương cho cán bộ, công nhân, viên chức khi điều động công tác; Thông tư quy định chế độ trả lương cho cán bộ, công nhân, viên chức khi ngừng việc...vv. Những văn bản trên đã được coi là nền móng cho rất nhiều chính sách về tiền lương sau này. Tôi rất tự hào là một trong những người đầu tiên tham gia đề xuất, xây dựng những chính sách đó.Tháng 7/1960, tôi được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Lao động, phụ trách mảng chính sách tiền lương. Tôi đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy định về chế độ tiền lương. Nhưng đối với tôi, được tham gia xây dựng chính sách tiền lương trong giai đoạn hòa bình lập lại, miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội là một niềm vinh dự lớn không thể nào quên. Những chính sách đó vận hành trong thực tiễn đã góp phần cải thiện đời sống của công nhân, viên chức và cán bộ, động viên tinh thần hǎng hái cách mạng của mọi người, ra sức thi đua sản xuất và công tác, khắc phục mọi khó khǎn để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp to lớn của toàn Ngành và một phần nhỏ bé của cá nhân tôi.