Đây là một trong những thành cổ độc đáo nhất ở khu vực miền Trung. Đồng thời đó cũng là điểm du lịch hấp dẫn cho cả những người ưa khám phá và thích nghiên cứu văn hóa. Nhà khảo cổ Trần Văn Long cho biết: "Đã từng nghiên cứu về nhiều ngôi thành cổ khác nhau nhưng tôi thấy ở đây in đậm những nét văn hóa của một thời đại phong kiến Việt Nam. Chúa Nguyễn Ánh đã chỉ huy cho chính lực lượng cận vệ của mình xây thành cổ này. Đến nay chúng tôi vẫn còn đang tiếp cận ngôi thành cổ này dưới góc độ văn hóa và lịch sử".
Tường thành hình lục giác, 6 cạnh không đều nhau, được đắp bằng đất, tường thành chạy uốn khúc theo hình lục giác dài khoảng 2.694m và cao 3,5m. Mặt ngoài thành được đắp hơi thẳng đứng, mặt trong được đắp thoai thoải gồm hai bậc thang dùng làm đường đi. Các góc thành được đắp nhô ra ngoài, có khả năng quan sát được hai bên. Bên trong mỗi góc được đắp thành một khoảng đất rộng dùng làm nơi trú quân. Mỗi góc thành đều đắp một ụ đất cao khoảng 2m dùng để đặt súng đại bác gọi là pháo đài góc, trên thành được trồng nhiều tre hoặc cây có gai. Bên ngoài thành có đào hào sâu từ 3 - 5m, rộng hẹp không đều nhau, tùy theo địa hình. Dưới lòng hào thường xuyên có nước dẫn từ sông Cái vào và có nhiều chướng ngại vật.
Ban đầu thành có 6 cửa (cổng thành), hiện nay chỉ còn 4 cửa Ðông - Tây - Tiền (phía Nam) - Hậu (phía Bắc). Trước đây trong thành có Hoàng cung, bên trái là dinh Tuần Vũ, phía sau là dinh Án Sát, sau nữa là dinh Lãnh Binh, phía dưới là dinh Tham Tri, có nhà kho, nhà lao kiên cố.
Anh Lê Văn Thành, cán bộ công ty du lịch Sài Gòn Xanh cho biết: "Năm nào chúng tôi cũng nhận trên 10 tuor đưa khách du lịch từ các tỉnh phương Nam về ngôi thành cổ này để được tận mắt chứng kiến cách xây dựng thành lũy của thời vua chúa của Việt Nam. Từ công trình này cũng cho thấy cách tư duy về việc xây dựng thành phòng ngự của chúa Nguyễn Ánh. Di tích này đã được Nhà nước công nhân là di tích cấp quốc gia"