Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kỹ thuật mới theo dõi tái phát bệnh ung thư máu ở trẻ em

Nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh đã thành công trong việc ứng dụng kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu để khảo sát bệnh tồn lưu tối thiểu. Kỹ thuật này giúp các bác sĩ phân nhóm nguy cơ, tiên lượng, đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát một cách chính xác ở các bệnh nhi ung thư máu.

Theo Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh, bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (BCCDL - ung thư máu) là một rối loạn ác tính hệ tạo máu do sự chuyển dạng bất thường của tế bào đầu dòng lympho, dẫn đến sự tích tụ những tế bào này trong tủy xương, gây ức chế sự tạo máu bình thường và thâm nhiễm các cơ quan, tổ chức ngoài tủy xương. BCCDL là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em, đặc biệt là trong độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi.

Chăm sóc bệnh nhi ung thư máu. Ảnh minh họa.

Chăm sóc bệnh nhi ung thư máu. Ảnh minh họa.

Trong suốt bốn thập kỷ qua, tỷ lệ sống còn của bệnh nhân BCCDL đã được cải thiện đáng kể, nhưng có sự thay đổi nhiều theo tuổi. Trẻ em được điều trị dựa trên các phác đồ mới có tỷ lệ sống còn trên 90%. Ở trẻ em thì BCCDL-B chiếm khoảng 85% và nhóm bệnh nhân này có tiên lượng rất tốt với tỷ lệ sống còn toàn bộ sau 5 năm lên đến 90%.

Để sớm phát hiện bệnh này tái phát, ngành Y thế giới thường áp dụng phương pháp theo dõi bệnh tồn lưu tối thiểu (BTLTT - sự tồn tại một lượng nhỏ các tế bào ung thư trong bệnh nhân đang điều trị hoặc sau khi điều trị). Chỉ số này giúp các bác sĩ lâm sàng quyết định phân nhóm điều trị và theo dõi tái phát bệnh. Hiện Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu hoàn chỉnh các phương pháp xác định chỉ số nêu trên.

Để áp dụng các tiến bộ y khoa thế giới vào Việt Nam, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phương Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh cùng cộng sự đã thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Khảo sát bệnh tồn lưu tối thiểu trong bệnh bạch cầu cấp dòng lympho B ở trẻ em”.

Từ tháng 4-2019 đến tháng 9-2021, nhóm nghiên cứu đã thu thập được các mẫu tủy của 81 trẻ em (1-15 tuổi) sau các giai đoạn điều trị ung thư máu để đánh giá chỉ số BTLTT. Kết quả nghiên cứu đã phát hiện 77 bệnh nhân có kiểu hình miễn dịch ác tính (có nguy cơ tái phát ung thư máu) và 4 bệnh nhân không có kiểu hình này để theo dõi BTLTT.

Sau giai đoạn điều trị tích cực, chỉ còn 22/77 ca có nguy cơ tái phát bệnh. Con số này giảm xuống còn 13 ca sau giai đoạn điều trị củng cố. Đến giai đoạn chuẩn bị chuyển sang điều trị duy trì, có 8 ca vẫn còn nguy cơ tái nhiễm. Trong số này, có 2 bệnh nhân tái nhiễm ung thư máu và tử vong. 

Kết quả khảo sát và nghiên cứu cho thấy, mức BTLTT phát hiện trong bệnh nhân sau giai đoạn điều trị tấn công có tiên lượng tốt hơn với thời gian sống cao hơn nhóm còn lại.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phương Liên cho biết, việc phân tích và nắm bắt kịp thời các chỉ số BTLTT giúp các bác sĩ phân nhóm nguy cơ cao và nguy cơ thấp, chọn lựa phác đồ điều trị thích hợp và tiên lượng chính xác hơn cho bệnh nhân. Kết quả của nghiên cứu có thể ứng dụng trong điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa Huyết học và các Bệnh viện Nhi có điều trị bệnh lý huyết học trên cả nước.