Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kỳ Thượng: Bão đi qua người dân lại cảnh "màn trời chiếu đất"

Không ai ngỡ rằng, xã miền núi Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lại trở nên tiêu điều xơ xác như sau một trận rải thảm bom B52, bởi sự tàn sát chưa từng có của cơn bão số 10. Trong lúc đó, cho tới thời điểm hiện tại địa phương này đang bị cô lập do hệ thống thông tin hầu như bị tê liệt.

 

 Bà Trần Thị Thuể (68 tuổi, thôn Bắc Tiến, xã Kỳ Thượng), thương binh hạng 4/4, hộ độc thân có nhà bị sập đổ hoàn toàn 

 

Kỳ Thượng có địa hình ba phía tựa vào Trường Sơn với những ngọn núi cao trùng trùng, điệp điệp... vô hình dung Kỳ Thượng luôn phải đón tiếp những cơn bão lớn nhỏ. Vì thế bão từ phía Sơn Dương, Vũng Áng và cửa Hải Khẩu với mức độ tàn sát không thể nào tưởng tượng ở cấp độ 13-14, giật cấp 15-16 mặc sức xông thẳng lên theo đường chim bay chỉ cách khoảng chưa đầy 18 km, rồi quẩn lại nhiều giờ liền ở đó, quần nát tất cả những gì có thể quần nát được trước khi sang đất Lào.

Những khối đá nặng hàng chục tấn sừng sững dám thách đố với thời gian qua hàng ngàn, hàng vạn năm nay trước bao biến thiên vũ trụ cũng bị bão số 10 đánh bật ra khỏi vị trí của nó, bay ào ào khắp rừng núi. Vậy thì hàng ngàn ha diện tích rừng keo lá tràm, gió trầm, cao su, cam, bưởi, chanh, quýt... và những căn nhà gỗ lợp ngói cao rộng đến mấy của con dân Kỳ Thượng cũng chẳng có nghĩa lý gì trước sự hủy diệt của cơn bão số 10 với sức tàn phá kinh hoàng.

 

 Cụ Dương Văn Tuân (76 tuổi,  thôn Bắc Tiến, xã Kỳ Thượng) sống độc thân, có nhà bị sập đổ hoàn toàn 

 

Trong lúc mưa gào, gió hú, núi rừng ầm ầm rung chuyển, nước lũ từ khe suối cuồn cuộn thi nhau càn quyét, đánh sập toàn bộ hệ thống điện, biến cột thu phát sóng viễn thông mạng Vina - Mobi cao cả trăm mét được đầu tư xây dựng kiên cố đổ gãy ngay trong chốc lát. Vậy là Kỳ Thượng - một mảnh đất vùng rừng núi nghèo khó vốn cách trở lại hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài

 

Mẹ và con của anh Nguyễn Văn Thảo (34 tuổi ở thôn Bắc Tiến, xã Kỳ Thượng) có nhà bị sập đổ hoàn toàn 

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù cơn bão đã đi qua được vài hôm, nhưng đến nay hệ thống điện và viễn thông vẫn bị tê liệt hoàn toàn, ngoại trừ mạng di động Viettel đã khắc phục được sự cố nhưng vẫn hết sức phập phù; các các tuyến đường giao thông lên xã tạm thời đi lại được nhưng rất khó khăn do bị sạt lở nhiều đoạn và cây cối 2 bên đường đổ gẫy chưa thể thu dọn hết.

Xe chạy tới đâu, chúng ta có thể nhận thấy thảm cảnh tiêu điều xơ xác tới đó. Chỉ loay hoay trong một khu vực nhỏ tại thôn Bắc Tiến đã có hàng chục ngôi nhà bị đánh sập hoàn toàn, bao nhiêu người dân đang phải vật vờ trong cảnh màn trời, chiếu đất!

 

Cột thu phát sóng mạng Vina-Mobi tại xã Kỳ Thượng bị bão đánh gãy đổ 

 

Tại đây, chúng tôi bắt gặp hình ảnh bà Trần Thị Thuể (68 tuổi), thương binh hạng 4/4. Bà là cựu TNXP thời kỳ chống Mỹ nhưng dù can đảm mấy cũng không cầm nổi nước mắt, bởi từ trong đống đổ nát của nhà mình, bà cố lấy hết sức bình sinh lôi ra được mấy cái xoong nồi đã méo mó, mà không tìm đâu ra lấy được một chiếc vung nào để úp lại cho vừa.

Không giấu chuyện đời tư của mình, bà Thuể tâm sự: Sau khi chiến tranh kết thúc, bà trở về quê hương và "liều" sinh được 2 người con gái ngoài hôn thú, giờ 2 cháu đã lấy chồng ở riêng. Nay bà đã già cả, sống độc thân trong căn nhà gỗ lợp ngói tưởng chừng yên phận cho đến cuối đời. Ngờ đâu, cơn bão đã cướp đi tất cả nên bà cũng đành bất lực trước phận số hẩm hiu của mình.

Tương tự bà Thuể, cụ Dương Văn Tuân (76 tuổi) sống độc thân trong một căn nhà gỗ rộng khoảng 40m2. Khi cơn bão đổ bộ đến Kỳ Thượng cụ cũng nhận được cảnh báo nên cố thủ trong nhà. Vậy mà, không nghĩ bão quá khủng khiếp, trong chốc lát nó đánh sập hoàn toàn căn nhà của cụ xuống giữa nền đất. Giữa lúc mưa bão gầm rú, không còn cách nào khác cụ phải nằm nấp dưới cỗ quan tài đóng sẵn của mình chờ tới 2 ngày sau mới dám chui ra. Mặc dù cụ ở gần nhà con trai của mình là anh Dương Văn Thành, nhưng do hoàn cảnh khó khăn anh Thành phải vào Sài Gòn làm thuê, trong lúc mưa bão vợ con anh Thành buộc phải đi sơ tán. Sau khi trở về thấy bố chồng đang ngồi gục bên cỗ quan tài, người con dâu mới vội đỡ cụ dậy mang cơm cho cụ ăn.

 

 Cụ Trương Văn Huân (88 tuổi, thôn Bắc Tiến, xã Kỳ Thượng) giữa căn nhà bị sập đô của mình

 

Cũng tại thôn Bắc Tiến, chúng tôi lại gặp cảnh tượng vợ chồng cụ Trương Văn Huân (88 tuổi) đang lụi hụi kéo ra từ trong đống đổ nát nhà họ được một chiếc bừa và một chiếc võng lưới. Theo cụ, dưới đó còn có 2 cỗ quan tài được đóng sẵn mấy năm trước, phòng lúc có mệnh hệ gì khỏi làm phiền con cháu; còn một sập lúa với 2 tạ lúa dự trữ và một số xoong nồi… chưa biết làm cách nào để đưa ra ngoài.

Khác với trường hợp của những người già cả, neo đơn trên. Trường hợp của cặp vợ chồng trẻ anh Nguyễn Tất Chiến (30 tuổi) và chị Hồ Thị Hiền (28 tuổi) thuộc diện hộ nghèo. Họ cưới nhau được gần 6 năm nay và đã có 3 mặt con, vay mượn tiền làm được một căn nhà gỗ vừa đủ ở. Tuy nghèo, nhưng cuộc sống của họ thất hạnh phúc, ngờ đâu chỉ trong chốc lát cơn bão số 10 đã cướp đi tất cả. Trong lúc hoảng loạn, anh Chiến chỉ kịp dắt 3 đứa con nhỏ của mình lánh nạn, còn chị Hiền kịp giằng lấy bức ảnh cưới mà vợ chồng chị chụp từ ngày đính hôn mà thôi. Hiện vợ chồng chị đã che tạm được một tấm bạt để đưa con cái vào ở và nấu nướng tạm thời.

 

 Chị Hồ Thị Hiền (28 tuổi, thôn Bắc Tiến, xã Kỳ Thượng) thuộc diện hộ nghèo có nhà bị sập đổ


Có mặt ở "vùng tâm bão" đi qua, chúng tôi kịp thời nghi lại được một số hình ảnh vô cùng hoang tàn ở Kỳ Thượng. Xót xa nhất là những ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn cùng với đó hình ảnh những người dân đang phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất. Với họ, lúc này có lẽ không còn gì để mất nữa!

Theo số liệu thống kê tạm thời của UBND xã Kỳ Thượng, tính đến hiện tại toàn xã có 65 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; 1.800 ngôi nhà dân và 12 hội quán thôn bị hư hỏng, tốc mái; 300 tấn xi măng làm đường giao thông chưa kịp thi công bị ngập ướt; 292 ha rừng tự nhiên và trên 1.000 ha diện tích cây keo lá tràm, gió trầm và các loại cây ăn quả khác của người dân bị xóa sổ hoàn toàn; 600 ha sắn và 30 ha lúa bị mất trắng… ước tính thiệt hại chung trong toàn xã lên tới trên 172 tỷ đồng.

 

Người dân địa phương tranh thủ ra khe suối giặt quần áo, chăm màn ổn định cuộc sống 

 

May mắn trong cơn nguy biến đó, tại Kỳ Thượng chỉ có  5 người bị thương nhẹ, không có người tử vong. Nếu so sánh một cây gió trầm từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch phải mất ít nhất 20 năm, ta có thể nhẩm ước rằng, phải 20 năm sau người Kỳ Thượng mới có thể tạm quên đi những đau thương mất mát trên.

Tuy vậy, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của cộng đồng, các nhà hảo tâm và tinh thần vượt lên khó khăn của từng người dân nơi này. Hy vọng, một ngày gần nhất mọi sinh hoạt của bà con nhân dân xã Kỳ Thượng sẽ được đi vào ổn định.

 

Những đứa trẻ ở Kỳ Thượng ngơ ngác trước cảnh nhà cửa các em bị tan hoang

Rừng keo lá trầm bị đổ gãy

Khắc phục hậu quả bão số 10 tại Trường Mầm non CS xã Kỳ Thượng

Nhà anh Lê Văn Chính,( 40 ở xóm Bắc Tiến xã Kỳ Thượng bị tốc mái)

 

Vườn cây gió trầm giá trị hàng trăm triệu đồng của gia đình anh Nguyễn Xuân Viết- Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng bị bão đánh cho gãy đổ