Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Kỳ tích Lò Cao kháng chiến Hải Vân

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để đảm bảo an toàn, Lò Cao đã được di chuyển về hang Đồng Mười (huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa) xây dựng. Chính nơi đây, những dấu ấn về tinh thần lao động sáng tạo, quả cảm của quân và dân ta đã được khắc ghi. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử đến nay, Lò Cao kháng chiến Hải Vân (xã Hải Vân, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) - bảo tàng sống động về một chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam đã và đang được bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị.

 

Lò cao Hải Vân.

Công xưởng đặc biệt trong hang đá

Năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp có bước chuyển biến mới. Trước nhu cầu của tiền tuyến lớn, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định giao cho ngành quân giới xây dựng lò cao nhanh chóng sản xuất gang để chế tạo vũ khí. Từ quyết định trên, một xưởng chế biến gang bí mật có tên 3KC được xây dựng ở vùng Cầu Đất, sông Con (huyện Con Cuông, Nghệ An). Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở gây khó khăn trong vận chuyển và sinh hoạt, xí nghiệp được chuyển về vùng Cát Văn bên bờ sông Lam, tỉnh Nghệ An. Việc xây dựng đang tiến hành thuận lợi thì thực dân Pháp phát hiện, chúng liên tục ngày đêm cho máy bay ném bom, đánh phá, nên lò cao được Cục Quân giới quyết định di chuyển về khu vực thung lũng Đồng Mười của huyện miền núi Như Xuân một địa điểm thuận lợi về giao thông, nguồn nguyên liệu và đảm bảo tính bí mật.

Cửa vào hang Đồng Mười.

Tháng 6/1950, các kỹ sư, công nhân bắt đầu xây dựng đồng thời 2 lò cao với ký hiệu NX1, NX2. Lò NX1 kích thước lớn có dung tích 6,7m3 để sản xuất gang và lò NX2 kích thước nhỏ có dung tích 1m3 để thử nghiệm. Sau 15 tháng gian khổ vừa xây dựng, vừa vận chuyển từng viên gạch chịu nhiệt đến hàng trăm tấn máy móc và thiết bị từ Nghệ An ra và từ Ninh Bình vào, tháng 9/1951 lò cao đã hoàn thành tại thung lũng Đồng Mười. Ngày 12/9/1951, lò NX2 cho ra đời mẻ gang đầu tiên. Tiếp đó, ngày 7/11/1951, lò sản xuất NX1 được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên  do khói từ lò NX1 tỏa ra dày đặc, dễ bị địch phát hiện, nên đã phải dừng hoạt động. Để đảm bảo an toàn, các công nhân và kỹ sư ở đây đã tiến hành đào một đường dẫn khói dài 500m nằm sâu dưới đất, có nhiều lỗ thông hơi để tản khói.

Đến ngày 21/12/1951, lò NX1 hoạt động trở lại và bắt đầu sản xuất liên tục. Chỉ sau 2 năm, lò NX1 và NX2 đã sản xuất và cung cấp gần 200 tấn gang cho các công binh xưởng ở Khu 4 để chế tạo vũ khí phục vụ cho các chiến trường đánh Pháp.

Hai lò cao NX1 và NX2 đang hoạt động bình thường thì thực dân Pháp phát hiện nên đã cho máy bay liên tiếp ném bom đánh phá. Dưới sự chỉ đạo của Cục Quân giới và trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực địa, đã đi đến một giải pháp táo bạo là xây dựng một lò cao trong hang núi Đồng Mười cách đó chừng 2km.

Mặt bằng dự án quy hoạch tổng thể Lò Cao kháng chiến Hải Vân

Việc xây dựng hệ thống lò cao to lớn và cồng kềnh trong hang núi đá là vô cùng khó khăn, phức tạp về kỹ thuật, tưởng chừng không thể thực hiện được. Song với lòng quả cảm, sự giúp đỡ của nhân dân các dân tộc, với tinh thần quyết tâm lớn và trí sáng tạo đặc biệt tập thể cán bộ, công nhân quân giới một lần nữa lại đoàn kết cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ.

Tháng 1/1953 các cán bộ, kỹ sư vừa sản xuất vừa tổ chức đánh mìn dọn hang, dọn đường, vừa di chuyển máy móc. Để xây dựng, các kỹ sư, công nhân lò cao đã phải sử dụng trên 400 phát mìn để mở cửa hang; đồng thời nghiên cứu để đưa hệ thống lò vào hang núi với nhiều bộ phận máy móc như hệ thống xả hơi nước, xả hơi độc, hệ thống thoát khói phải thay đổi cho phù hợp với địa hình mới là một công việc hết sức khó khăn, kỹ thuật phức tạp. Nhưng bằng ý chí và nghị lực sáng tạo của đội ngũ kỹ sư và công nhân, cuối cùng lò cao có dung tích 8,3m3 cao 13m, tên gọi là NX3 đã được lắp đặt hoàn chỉnh trong lòng hang núi đá Đồng Mười.

Lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia và quyết định dự. án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Lò Cao kháng chiến Hải Vân.

 Việc lắp đặt thành công lò cao NX3 đi vào vận hành sản xuất ổn định, mỗi ngày ra trung bình 3 tấn gang cung cấp cho việc sản xuất vũ khí ở các chiến trường, góp phần cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng to lớn tại đèo Hải Vân (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), vì vậy cấp trên đã quyết định cho đổi tên lò cao NX3 được mang tên là “Lò Cao Hải Vân”. Và cũng từ đây mối tình Thanh Hóa - Quảng Nam ruột thịt thắm thiết, mặn nồng hơn.

Dấu ấn một chặng đường lịch sử

Sự ra đời của Lò Cao kháng chiến Hải Vân đã đánh dấu một chặng đường phát triển không ngừng của ngành quân giới Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định những kỳ tích vĩ đại của cả một lớp tri thức trẻ đi theo Đảng và Bác Hồ, khẳng định sự sáng tạo, bản lĩnh phi thường của trí tuệ Việt Nam. Đó là GS. Trần Đại Nghĩa, kỹ sư Võ Quý Huân; lớp cán bộ, chiến sỹ, công nhân ngành quân giới đã trực tiếp tham gia sản xuất, như: Giám đốc Trịnh Tam Tĩnh, kỹ sư Lê Huy Yêm, kỹ sư Lương Ngọc Khuê, kỹ sư Đặng Trần Cảnh, cán bộ kỹ thuật Trịnh Văn Yên, Nguyễn Văn Thân, Lê Quang Thiệu, Nguyễn Lễ, Hồ Đắc Liên...là lớp kỹ sư giỏi và công nhân lành nghề đầu tiên có công đầu trong việc xây dựng, vận hành lò cao, góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi.

Trong quá trình xây dựng, vận hành lò cao NX3 nhiều cải tiến mới được áp dụng như: Dùng đá gres để thay thế gạch dinas cách nhiệt cho toàn than lò; dùng amiante cách nhiệt cho nồi lò; nước làm lạnh cho lò cao được sử dụng hệ tuần hoàn khép kín; khí của lò cao được sử dụng 100% cho lò gió nóng và nồi hơi cho 2 đầu máy xe lửa kéo máy phát điện 1000KW; việc nạp nhiên liệu được cơ giới hóa; hệ thống hút hơi độc bao gồm: Quạt hút gió, cửa tự động, tường ngăn, các loa ống dẫn hơi độc ra ngoài hang cũng được nghiên cứu và ứng dụng thành công…Đây là những sáng tạo lớn của các cán bộ, kỹ sư trong điều kiện thiếu nguyên, nhiên liệu, kỹ thuật.

Từ cuối năm 1951 đến tháng 7/1954, tổng cộng lò NX1 và NX3 đã sản xuất được gần 500 tấn gang, kịp thời đáp ứng được yêu cầu sản xuất, chế tạo vũ khí như mìn, lựu đạn, súng cối, đạn bazoka, chảo, nồi quân dụng…phục vụ các chiến trường. Đến tháng 12/1954, Lò Cao kháng chiến Hải Vân ngừng hoạt động. Trong quá trình phát triển, dù chỉ tham gia một phần của chặng đường 9 năm kháng chiến trường kỳ, nhưng đã sản xuất ra hàng trăm tấn gang phục vụ tiền tuyến và hậu phương. Đó là một chiến công to lớn và ý nghĩa quan trọng của nền công nghiệp luyện kim đầu tiên của Việt Nam.

Hiện nay, toàn bộ núi và hang Đồng Mười nơi có di tích Lò Cao Hải Vân là di tích lịch sử cách mạng duy nhất trong cả nước còn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn cả về cảnh quan thiên nhiên cũng như hệ thống lò cao. Với những giá trị quan trọng và tầm vóc lịch sử của di tích Lò Cao kháng chiến Hải Vân, ngày 28/6/2015, tỉnh Thanh Hóa đã làm lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích hang Lò Cao.

Di tích Lò Cao kháng chiến Hải Vân đồng thời lại nằm trong một không gian rộng lớn, đa dạng phong phú với những di tích lịch sử và danh thắng quan trọng của huyện Như Thanh như: Vườn quốc gia Bến En, hồ Sông Mực, Phủ Sung, Phủ Na, Am Tiên, Đền Khe Rồng, Đền Bạch Y Công Chúa. Tất cả đã tạo nên một quần thể di tích lịch sử và danh thắng đặc sắc để cùng với Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, suối cá thần Cẩm Lương…có thể kết hợp triển thành nhiều tua du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh và du lịch lịch sử. Qua đó, từng bước đưa Như Thanh sớm trở thành trung tâm dịch vụ du lịch vùng Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa.