Vải thiều xịn vẫn chưa về Hà Nội
Mấy ngày qua, quả vải đã tràn ngập các chợ tại Hà Nội. Từ cửa hàng hoa quả cho đến xe thồ xe đẩy, thậm chí vải được chở bằng ô tô tải bán đầy các cổng chợ.
Tất cả đều quảng cáo vải Thanh Hà, vải Lục Ngạn, mỗi cửa hàng đưa ra một mức giá khác nhau. Nếu như tại các cửa hàng bán hoa quả, vải được bán với giá 20.000 đồng/kg, thì tại các xe thồ, xe đẩy, vải có giá 15.000 đồng, một số nơi vải chỉ bán với gia 10.000 đồng/kg. Với giá bán này, vải thiều ở Hà Nội đang rẻ hơn cả vải mua tận gốc ở vùng trồng.
Như tại huyện Lục Ngạn, giá vải thiều lai Thanh Hà dao động từ 14.000 - 17.000 đồng/kg, tuỳ loại; vải U hồng có giá 15-17.000 đồng/kg. Chất lượng vải trồng ở mỗi nơi một khác, nhưng nếu không phải là người sành về vải thì thường chọn mua hàng giá rẻ, hoặc đẹp mã mà không biết chọn thế nào là vải ngon.
Theo kinh nghiệm của các tiểu thương bán hoa quả, vải được ưa chuộng nhất là vải Thanh Hà (Hải Dương), vải Lục Ngạn (Bắc Giang) có quả tròn, màu đỏ, hạt bé, cùi dày, ăn ngọt và mọng nước. Giá bán vải thiều chính hiệu chắc chắn cao hơn, nhưng thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều vải ngon, chủ yếu là vải trồng tại các huyện vùng ven của “rốn” vải như: Tân Yên, Lục Nam, Lạng Giang...
Vải đang bán chủ yếu quả vàng, cùi mỏng và bị sâu đầu nhiều, được nhập từ các tỉnh khác. Từ sau ngày 10/6 là bước vào chính vụ thu hoạch, lúc đó vải thiều xịn mới tràn về Hà Nội.
Vải thiều bắt đầu vào chính vụ thu hoạch.
Cả năm trông chờ vào vụ thu hoạch, thế nên người trồng vải đang rất vui và hăm hở bước vào chính vụ thu hoạch. Tuy nhiên, như chia sẻ của chị Lê Thị Huyền (thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy, Lục Ngạn, Bắc Giang): “Tôi hái sớm vài chục cân, bán được với giá 11.000 đồng/kg, nhưng vào chính vụ chẳng biết giá cả thế nào, liệu tư thương có ép giá xuống thấp như mọi năm?”.
Chi tiền tỷ tìm thị trường tiêu thụ
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2015, tổng sản lượng vải thiều của hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Dự báo, sẽ tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng 120.000 tấn, xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 80.000 tấn.
Thị trường tiêu thụ nội địa rộng khắp cả nước, tập trường chủ yếu tại phía Bắc, các thành phố lớn và các tỉnh phía Nam, trong đó thị trường phía Nam được đánh giá tiếp tục sẽ là khu vực tiêu thụ nội địa quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.
Bên cạnh những thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, năm nay còn có nhiều tín hiệu đáng mừng từ các thị trường: Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu.
Bộ Công Thương cho hay, đã chủ động triển khai nhiều biện pháp tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Theo đó, Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương cung cấp thông tin thường xuyên và kịp thời về công tác sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2015 trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết nối thúc đẩy tiêu thụ quả vải và nhằm thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản, Bộ Công Thương đang tiếp tục đàm phán một cách tích cực các hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan…Nội dung quan trọng của đàm phán đều được cân nhắc và tính toán một cách cụ thể, nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc tận dụng được ưu thế các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình mở cửa thị trường.
Cùng với đó, nâng cao tính chủ động và vai trò của doanh nghiệp trong quá trình tham gia các chương trình xúc tiến thương mại… Ngoài ra, Bộ cũng giới thiệu danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam đến các đối tác nước ngoài, góp phần giới thiệu và kết nối thông tin giúp các doanh nghiệp xuất khẩu quả vải.
Theo Bộ Công Thương, năm 2015, được sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và hưởng ứng của người dân, giá quả vải thiều được dự báo ổn định và có mức tương đương so với năm 2014. Đặc biêt, năm nay, Bộ KH&CN đã vào cuộc giúp bà con nông dân về công nghệ bảo quản vải khi thu hoạch để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Không chỉ trong chờ vào các bộ, ngành tìm thị trường tiêu thụ vải mà các địa pương cũng chủ động xúc tiến, tìm kiếm thị trường. Ông Phan Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết, năm nay việc tiêu thụ vải được xúc tiến sớm. Số tiền hỗ trợ cho việc tiêu thụ vải lên đến 31 tỷ đồng.