Cuối năm nay, tổng thư ký liên hiệp quốc (LHQ) Ban Ki-Moon kết thúc nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai. Cuộc chạy đua “ghế nóng” bước vào chặng nước rút với những phiên chất vấn ứng viên do đại hội đồng LHQ chủ trì. Lần đầu tiên, các ứng viên công khai điều trần và được truyền hình trực tiếp từ trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. Trong danh sách ứng cử viên, bốn gương mặt nữ lãnh đạo đang là điểm sáng, kỳ vọng tạo nên lịch sử - nữ tổng thư ký LHQ đầu tiên.
Bức tranh toàn cầu liên tục thay đổi với sự biến chuyển không ngừng khiến vai trò của người cầm trịch LHQ càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Nhiệm vụ khó khăn nhất mà vị tổng thư ký (TTK) mới đối diện là đưa ra tiếng nói chung, đại diện tất cả các bên trong những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội hiện có quá nhiều xung đột, mâu thuẫn.
Trong cuộc khảo sát do báo Guardian thực hiện, 96% người được hỏi cho biết, họ chờ đợi sự xuất hiện nữ TTK LHQ đầu tiên. Họ trông cậy sự uyển chuyển nhưng quyết liệt của người nắm vị trí mắt xích, kết nối quan trọng để thế giới hướng đến mục tiêu phát triển chung. Điều thú vị, từ tháng Hai năm ngoái, chiến dịch mang tên Nữ TTK LHQ (trang web chính thức www.womansg.org) ra đời, nhằm ủng hộ việc cần có một phụ nữ cầm trịch LHQ.
Bốn nữ ứng cử viên được gửi gắm trong cuộc bầu cử lần này gồm bà Helen Clark, từng là Thủ tướng New Zealand (1999-2008) và hiện là Giám đốc UNDP (Chương trình Phát triển LHQ); bà Irina Bokova, từng là Ngoại trưởng Bulgaria và hiện là Tổng giám đốc UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ); nguyên Ngoại trưởng kiêm Phó thủ tướng Croatia Vesna Pusic; Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Moldova Natalia Gherman. Theo giới phân tích, bốn nữ ứng cử viên đều có thế mạnh riêng. Được nhắc nhiều hơn cả là bà Helen Clark và Irina Bokova bởi quá trình làm việc gắn bó với LHQ trong thời gian dài.
Bà Helen Clark |
Sau phiên điều trần của bà Helen Clark (66 tuổi), rất nhiều quan chức LHQ công khai ủng hộ bà. Đứng đầu UNDP trong nhiệm kỳ thứ hai này, bà được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Sự nghiệp chính trị của bà bắt đầu rất sớm, đánh dấu với ngày tháng tích cực xuống đường phản đối chiến tranh (trong đó có chiến tranh Việt Nam) vào những năm 1960. Nhiệt huyết tuổi trẻ là động lực lớn nhất khiến bà chọn con đường chính trị.
Dù không phải “con nhà nòi” (bố là nông dân, mẹ là giáo viên tiểu học), bà từng bước khẳng định năng lực và tên tuổi, theo học chuyên ngành chính trị và tham gia tích cực hoạt động của đảng Lao động. Bà trở thành thành viên hạ viện New Zealand năm 31 tuổi và kết hôn ở tuổi 36 với nhà xã hội học Peter Davis, người hiện là giáo viên xã hội học y tế tại Đại học Auckland. Ngay từ đầu, bà xác định rõ với chồng sẽ không sinh con. Bà muốn dốc toàn bộ tâm sức cho công việc, không muốn lặp lại hình ảnh ngày xưa của mẹ, người phải từ bỏ công việc giảng dạy, ở nhà chăm sóc con cái.
Quá trình bà Helen Clark phấn đấu trở thành nữ thủ tướng New Zealand đầu tiên do dân bầu (nữ thủ tướng đầu tiên là bà Jenny Shipley thay thế ông Jim Bolger, không thông qua bầu cử) khiến không ít quan chức thán phục. Chỉ sau sáu năm là thành viên hạ viện, bà dần khẳng định uy tín, bản lĩnh để đảm nhận các vị trí như Bộ trưởng Nội các, Bộ trưởng Nhà ở, Bộ trưởng Đối thoại, Bộ trưởng Y tế và Phó thủ tướng New Zealand.
Khi là Thủ tướng New Zealand, bà tham gia Hội đồng Nữ lãnh đạo thế giới, tích cực đưa ra sáng kiến hành động cụ thể trong nỗ lực cải thiện vị trí, tầm quan trọng nữ giới, hướng đến phát triển bình đẳng. Năm 2008, khi bà rời ghế thủ tướng, lần đầu tiên các chức vụ như Toàn quyền, Thư ký Nội các, Tổng chưởng lý, Phát ngôn viên chính phủ New Zealand đều do nữ giới đảm nhận. Bà từng chia sẻ: “Tôi hiểu những khó khăn hầu hết phụ nữ ở New Zealand phải đối mặt. Họ không có nhiều cơ hội làm lãnh đạo. Hơn 30 năm qua, tôi không ngừng nỗ lực vì muốn thay đổi điều này”.