Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Lắc đầu đẩy nước khỏi tai có thể tổn thương não

Lực gia tốc để đẩy nước khỏi ống tai lớn gấp 10 lần mức cho phép so kích thước tai, hành động lắc đầu có thể gây tổn thương não. Nghiên cứu do các nhà khoa học từ Đại học Cornell tiến hành, công bố tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Vật lý Mỹ ở Seattle diễn ra từ ngày 23 đến 26/11.

Nước đọng trong tai sau khi đi bơi hoặc tắm, khiến chúng ta có cảm giác ù tai và thấy khó chịu. Vì vậy, mọi người thường có phản ứng một cách bản năng là cố gắng lắc đầu mạnh để nước chảy ra ngoài.

Nnghiên cứu mới này chủ yếu tập trung tìm hiểu về lực gia tốc cần thiết để đưa nước ra khỏi ống tai, theo Anuj Baskota, ở Đại học Cornell và là thành viên nhóm nghiên cứu.

Để đo lực cần thiết để đẩy nước ra khỏi tai, nhóm nghiên cứu đã chế tạo các ống thủy tinh có đường kính khác nhau, như một bản sao đơn giản của ống tai thật của con người. Với thiết kế tai giả, họ đã in mô hình 3D của tai người dựa trên ống tai người được quét CT và bọc bên trong ống thủy tinh bằng silan để phù hợp với mức độ kỵ nước trong ống tai thật. Sau đó, trước khi thả các ống vào lò xo, họ cho nước vào các ống thủy tinh để đo lực hấp dẫn cần thiết có thể đẩy nước ra khỏi tai.

Lắc đầu đẩy nước khỏi tai có thể tổn thương não - Ảnh 1.

Kết quả cho thấy lực gia tốc phù hợp để loại bỏ nước khỏi ống tai phụ thuộc rất nhiều vào thể tích và vị trí của chất lỏng bị mắc kẹt bên trong ống.

"Lực đo được khoảng 10 gram và có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến não bộ người", Anuj Baskota cho biết.

Mức độ tổn hại não bộ càng trầm trọng ở những trẻ nhỏ, bởi cùng một thể tích nước trong tai nhưng ống tai nhỏ hơn nên chúng cần lực gia tốc lớn hơn mới có thể đánh bật nước bị mắc kẹt. Người lớn dễ dàng đẩy nước ra khỏi tai hơn so với trẻ em nhưng đây không phải là phương pháp được khuyến nghị, đặc biệt khi có nhiều cách khắc phục an toàn khác. Một số trong những lựa chọn đó đơn giản như nằm nghiêng hoặc lắc lư dái tai của bạn.

Baskota giải thích, sức căng bề mặt của chất lỏng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy nước bị mắc kẹt trong ống tai.  Do đó, nếu nhỏ một vài giọt chất lỏng có sức căng bề mặt thấp hơn nước, như rượu hoặc giấm, vào tai sẽ làm giảm lực căng bề mặt cho phép nước chảy ra ngoài.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng kết quả này chưa phải là bằng chứng lâm sàng về tổn thương não phát sinh từ thói quen lắc đầu đẩy nước khỏi tai. Song Baskota khuyên khi bị chảy nước vào tai, nên tìm ra cách xử trí an toàn hơn là lắc đầu.