Nhưng không, hóa ra trong thực tế vẫn có cả những quan chức thuộc loại gọi một tiếng vạn người thưa đang sử dụng loại bằng này.
Bằng giả đang là một vấn nạn, được sử dụng tràn lan. Nguyên nhân, đầu tiên là do sĩ diện hão, nhiều người cứ thích thêm vào trước danh xưng của mình rất nhiều loại bằng cấp, chức danh... cho nó hơn người. Tiếp đến là ở xứ ta mua gì khó không biết, chứ mua bằng giả thì dễ nhất, muốn bao nhiêu, loại gì cũng được đáp ứng đầy đủ với giá phải chăng. Và quan trọng hơn cả, bằng cấp đang được coi như một thứ giấy thông hành bắt buộc để đánh giá con người, để được nhận vào cơ quan nhà nước và để thăng tiến.
Nói đi thì cũng phải nói lại, bằng cấp không có lỗi, thậm chí cả chuyện sính bằng cấp chưa hẳn đã sai. Chuyện đáng bàn là tại sao người ta lại có thể dễ dàng sử dụng bằng giả dù luôn có rất nhiều sự kiểm tra, giám sát, chỉ đến khi có đơn thư tố cáo, bằng giả mới bị phanh phui. Và trong không ít trường hợp, việc xử lý với người dùng và người làm bằng giả còn rất nhẹ nên chưa đủ tính răn đe, ngăn chặn.
Dù không gây ra những hậu quả trực tiếp, ngay lập tức như những thứ hàng giả khác, nhưng bằng giả lại gây ra những hậu quả trầm trọng và lâu dài cho xã hội. Đó là nó tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người có bằng thật, học thật với những người bằng thật nhưng học giả và người dùng bằng do đi mua mà có. Nó gây mất niềm tin và làm trầm trọng hơn nạn sính bằng cấp, phụ thuộc vào bằng cấp của khá đông người, mà quên đi kiến thức chuyên môn, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức mới là thước đo, là chuẩn mực của công chức, viên chức.
Để dẹp nạn bằng giả, bằng thật học giả, cùng với việc nhanh chóng có đợt tổng rà soát để phát hiện và đưa ra khỏi bộ máy những người đang dùng bằng giả thì vấn đề quan trọng là phải xóa bỏ tận gốc không để bằng giả tồn tại. Các trường, các cơ sở đào tạo cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cấp bằng.
Phải có biện pháp xử lý nghiêm với những người, những nơi làm bằng giả. Thay đổi cách đánh giá cán bộ, quan trọng là hiệu quả, kết quả thực hiện nhiệm vụ chứ không phải chỉ dựa vào lý lịch chuyên môn, các loại bằng cấp đang có. Phải làm sao để mỗi cán bộ sẽ cảm thấy xấu hổ, biết ngượng và biết sợ khi có ý muốn sử dụng bằng giả, xóa bỏ tâm lý sính bằng cấp một cách thái quá, thích hư danh.Rõ ràng nạn sử dụng bằng giả đang là rào cản làm chậm lại tiến trình đổi mới toàn diện của Đảng, làm tha hóa đạo đức của không ít cán bộ. Ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ nạn bằng giả là việc làm rất khó khăn nhưng phải làm bằng được.